Lịch sử cần là môn độc lập bắt buộc

Nhiều chuyên gia cho rằng, môn lịch sử phải là môn bắt buộc trong chương trình THPT. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều chuyên gia cho rằng, môn lịch sử phải là môn bắt buộc trong chương trình THPT. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - "Nội dung giáo dục lịch sử khác với nội dung giáo dục quốc phòng an ninh và khác với nội dung giáo dục công dân. Nếu ghép 3 môn vào như thế là khập khiễng", GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá.

Trong dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, đến bậc THPT, một trong 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân với Tổ quốc. Riêng môn Giáo dục công dân với Tổ quốc có tích hợp 3 môn gồm Giáo dục công dân, Giáo dục an ninh quốc phòng và Lịch sử. GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, có cuộc trao đổi với Tiền Phong về nội dung này.

"Vừa qua, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đã làm việc với Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Các Giáo sư, chuyên gia lịch sử đều không đồng ý với phương án này của Bộ. Cá nhân tôi cho rằng, tích hợp như thế là thiếu cơ sở khoa học, mang tính “chắp vá”, gò ép, phá nát chương trình môn lịch sử.

Nội dung giáo dục lịch sử khác với nội dung giáo dục quốc phòng an ninh và khác với nội dung giáo dục công dân. Nếu ghép 3 môn vào như thế là khập khiễng. Lịch sử là môn học về quá khứ, an ninh quốc phòng nói về hiện tại. Giáo dục công dân hay giáo dục an ninh quốc phòng có thể lấy một vài sự kiện, kiến thức lịch sử để xây dựng bài học theo mục đích của môn, do đó, nó không phải là lịch sử, không thể thay thế lịch sử. Cũng như lịch sử không thể thay thế cho môn giáo dục quốc phòng an ninh hay môn giáo dục công dân. Lịch sử là một quá trình mang tính hệ thống, 30 tiết/năm học thì không giải quyết được vấn đề gì", ông Bình cho biết.

Trong chương trình giáo dục mới sắp tới, Bộ GD&ĐT cho rằng hết THCS, học sinh sẽ được trang bị xong kiến thức cơ bản phổ thông, THPT chỉ là hướng nghiệp. Vậy theo ông, học lịch sử 9 năm vẫn không đủ?

9 năm không đủ. Vì số tiết học không nhiều, lại là môn không có nhiều sự lựa chọn thi vào ĐH. Nếu nhìn vào giáo dục phổ thông mới thấy đáng buồn. Cách tổ chức thi vừa qua cho thấy học sinh chỉ lao vào những môn thi ĐH. Đó là thảm họa. Hãy nhìn ra thế giới. Ở các nước phát triển, không nước nào cho Lịch sử là môn tự chọn. Những nước quanh ta như Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước chúng ta đang học tập về giáo dục, cũng coi lịch sử là bắt buộc. Trong một cuộc hội thảo với chúng tôi, khi nói tới tích hợp, các giáo sư Hàn Quốc cho biết họ không thể thực hiện được tích hợp môn Lịch sử với môn khác.   Xét về mặt kinh tế, lịch sử không mang lại giá trị kinh tế, nhưng hậu họa của việc coi nhẹ môn lịch sử thì không thể lường trước được. Tình hình nước ta đang trong giai đoạn rất nhạy cảm khi vấn đề biển Đông, vấn đề chủ quyền quốc gia luôn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm. Do đó, đấu tranh giữ vững chủ quyền quốc gia là trách nhiệm hàng đầu của toàn dân, của các ngành, đặc biệt là môn lịch sử có vai trò to lớn.

Thực tế, trong đời sống xã hội, môn học nào cũng có một vị trí vai trò. Nếu môn nào cũng muốn được độc lập, bắt buộc thì vấn đề giảm nhẹ môn học cho học sinh sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?

Giảm nhẹ nhưng không phải bằng mọi giá, không phải tất cả. Giảm nhẹ không có nghĩa là cắt bỏ những môn liên quan đến giáo dục con người để họ dám xả thân vì đất nước. Họ không quên những tấm gương của cha ông trong bảo vệ đất nước. Như vậy, lịch sử liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Có những môn học, có những nội dung tích hợp được nhưng có những môn không thể làm được việc đó, không thể ghép sống sượng với nhau được. 

Việc đào tạo giáo viên lịch sử sẽ như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi vẫn đào tạo giáo viên sử, các khoa khác vẫn phải đào tạo môn của họ (đào tạo đơn môn – PV). Tích hợp lâu nay là yêu cầu tự nhiên. Chúng ta đã làm và đến giờ vẫn  đang làm. Trong lịch sử có sử dụng kiến thức văn học. Trong địa lý có lịch sử, trong lịch sử có địa lý… Tuy nhiên, chỉ một số nội dung có thể tích hợp được. Nhưng giờ “nhào” môn lịch sử với an ninh quốc phòng, giáo dục công dân hay môn nào đó thì không thể nhào được và các thầy cũng không dạy được.

Lịch sử vốn luôn không có sức hút đối với người học, nếu chủ trương của Bộ trở thành hiện thực, ông có nghĩ khoa sư phạm lịch sử sẽ ngày càng vắng bóng sinh viên?

Sẽ tác động đến người học. Chưa nói đến tương lai, các sinh viên đang học cũng đã lo lắng ra trường không có việc làm. Còn chúng tôi thì lo người Việt Nam không biết quốc sử, quay lưng lại với lịch sử thì ai đứng ra nối tiếp cha ông ta bảo vệ Tổ quốc.

Cảm ơn ông.

PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Lịch sử phải là môn học bắt buộc

Ở THPT mục tiêu của môn lịch sử là: Trên cơ sở những hiểu biết lịch sử cơ bản đã được học từ THCS kết hợp với đặc điểm của lịch sử Việt Nam có được nhận thức tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc trong mối quan hệ với lịch sử thế giới. Từ đó bồi dưỡng niềm tự hào là người Việt với tư cách là một công dân thế giới nhưng mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Để thực hiện được “Dân ta phải biết sử ta”, môn lịch sử phải là môn bắt buộc trong chương trình ở THPT, không thể là môn tự chọn.

MỚI - NÓNG