Rất ít thí sinh đăng ký dự thi môn Sử, Địa

Học sinh trường THPT Nhân Việt ghi hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Nguyễn Duy.
Học sinh trường THPT Nhân Việt ghi hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Nguyễn Duy.
Theo nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo, đa số thí sinh đăng ký dự thi Toán, Lý, Hóa. Số đăng ký thi môn Sử, Địa chiếm tỷ lệ rất thấp do không có nhiều trường tuyển sinh khối C và cơ hội việc làm của các ngành thi khối này không cao.

Chiều 8/5, ông Dương Đình Hoán, quyền Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, tại kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, toàn tỉnh có khoảng 40.000 thí sinh tham dự thi.

Tại Thanh Hóa có hai hội đồng thi. Hội đồng thi thứ nhất tổ chức cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục chủ trì phối hợp với Đại học Dược Hà Nội. Hội đồng thứ hai dành cho thí sinh vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng do Đại học Hồng Đức chủ trì phối hợp với Đại học Y. Dự kiến, sẽ có thêm khoảng 6.000 thí sinh tỉnh Ninh Bình đăng ký dự thi ở cụm thi thứ hai tại Thanh Hóa.

Về số môn được đăng ký, môn Toán và Văn chiếm cao nhất, lần lượt là 38.000 và 37.000. Xếp tiếp theo là các môn Ngoại ngữ (hơn 33.000 thí sinh), Địa lý (gần 18.000), Hóa học (hơn 16.000), Vật lý (gần 16.000), Sinh học (gần 9.000). Bộ môn Lịch sử có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất với hơn 5.700.

Ông Thái Viết Thảo, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở Giáo dục Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có 37.430 thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Vì nằm trong 3 môn thi tốt nghiệp bắt buộc, Toán có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất với 36.470, tiếp đó là Văn và Ngoại ngữ. Các môn Hóa và Lý gần ngang nhau với mức trung bình 15.000 thí sinh. Môn Sử nhận được số lượng đăng ký thấp nhất, trên 3.600.

Ông Nguyễn Công Ất, Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh năm nay có khoảng 19.660 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có gần 12.000 thi để xét tuyển vào cao đẳng, đại học. 

Tại Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục cho hay có hơn 10.000 hồ sơ đăng ký thi quốc gia. Với các môn tự chọn, Vật lý và Lịch sử có số lượng đăng ký ít nhất, trong khi Địa lý là môn tự chọn có nhiều thí sinh đăng ký.

Tại TP HCM, thống kê của trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (quận 3) cho thấy, trong 400 học sinh lớp 12 thì 300 em đăng ký thi môn Lý và Hóa, còn môn Sinh chỉ khoảng 10 em. Môn Sử chỉ có vài học sinh lựa chọn. Riêng môn Địa thì không có em nào đăng ký. Tất cả học sinh đều thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Trước khi học sinh nộp hồ sơ nhà trường đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn, định hướng việc lựa chọn môn thi cho các em. Tuy nhiên, học sinh vẫn chọn các môn khoa học tự nhiên nhiều hơn so với các môn khoa học xã hội. 

“Vừa rồi nhà trường cho đăng ký lại lần 2 ở các môn Sinh, Sử, Địa để các em điều chỉnh, nhưng cuối cùng cũng không tăng lên được bao nhiêu. Chỉ có môn Sinh thì số lượng nhiều hơn Sử, Địa một chút vì các em muốn chọn ngành Y”, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Khánh cho biết. 

Tương tự, học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng ưu tiên chọn môn Lý, Hóa, Sinh. Trong 630 học sinh lớp 12, chỉ có 9 học sinh chọn môn Sử, Địa. Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng thông tin, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, đa số còn lại các em chọn môn Lý, sau đó đến môn Hoá rồi môn Sinh. Riêng môn Sử và Địa thì số lượng đăng ký rất ít. Năm ngoái cũng vậy, trường chỉ có 6 học sinh thi Sử, Địa. 

Học sinh trường THPT Long Trường (quận 9) cũng chủ yếu chọn môn thi tương ứng với tổ hợp xét tuyển khối A, A1 và D. Toàn trường có 540 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 30 học sinh chọn thi môn Địa, 20 em chọn môn Sử, môn Sinh thì có 50 em đăng ký.

Phòng Tuyển sinh của Cơ quan Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP HCM đã nhận được khoảng 20.000 hồ sơ của thí sinh tự do. Phần lớn thí sinh đăng ký từ 4 đến 5 môn thi, chủ yếu là các môn Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ tương ứng với các tổ hợp xét tuyển khối A, A1. Rất ít thí sinh chọn thi môn Sử, Địa.

Nói về sự lựa chọn môn thi của học sinh năm nay, TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông lâm TP HCM cho biết, ngoài 3 môn bắt buộc thì học sinh chủ yếu chọn Lý, Hóa, Sinh là do có rất nhiều trường đại học, cao đẳng xét tuyển khối A, A1, B, D. Còn môn Sử, Địa thì có rất ít ngành để học sinh lựa chọn. Ở TP HCM, ngoài Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) và Đại học Văn Hiến thì những trường còn lại đều ít tuyển khối C.

“Những năm trước, Bộ có quy định thi môn Sử, hoặc Địa. Còn năm nay, Bộ cho thí sinh tự chọn nên không có nhiều bạn chọn hai môn này. Hơn nữa, nếu rớt nguyện vọng 1 ở các khối A, A1, B, D thì học sinh còn rất nhiều ngành, trường để xét tuyển. Nhưng thí sinh mà rớt khối C thì không còn nhiều lựa chọn. Có lẽ vì vậy mà thí sinh ngại”, ông Lý nói.

Đứng ở góc độ việc làm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết: “Tôi đi tư vấn tuyển sinh cho học sinh ở nhiều tỉnh, thành. Hầu hết các em chỉ quan tâm đến khối A, A1, D. Học các ngành ở khối C, sinh viên ra trường thường khó xin việc, lương thấp nên các bạn không lựa chọn. Còn ở các khối khác, sinh viên ra trường dễ tìm việc làm, thu nhập cao và cơ hội thăng tiến nhanh hơn”.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.