Nếu chẳng may vô tình sóng ngang Lê Minh Sơn trên đường tấp nập hay phải ngồi cạnh gã vài ba canh giờ, người ta sẽ nghĩ mình đang đứng trước gã buôn đồ cổ hơn là nhạc sỹ. Bản mặt lọc lõi, búi tóc đàn bà, đường môi kiêu bạc, cùng đôi mắt gườm gườm của gã chỉ trực “bóc mẽ” để định giá tất thảy những gì vào mắt.
Chỉ hiềm một nỗi, hiếm khi gã dìm giá (cũng như điểm), phần nhiều là bị “vống”- Gã là thế! Dễ dãi và thích đóng vai người hùng.
Nhưng cảnh vẻ, trưng trổ thế thôi để tạo một cái “vỏ” giúp gã che chắn người khác “đọc vị” mình. Bên trong sự vạm vỡ ấy có bao nhiêu là "sự thật" mong manh, đỏng đảnh và cả ...cô đơn.
Ngoài nhạc, gã thích đi câu. Gã thích đấu trí, vờn bắt hay đơn giản hơn chỉ để trốn sự đời, tìm một chỗ thiền định thì chẳng ai rõ.
Chỉ đến khi cùng gã say sưa trong cuộc vui bạn bè, mới bắt được cái “lõi” người trong gã- hiền khô và trong veo, đáng yêu vô cùng. Cũng là cách lý giải cho sự mộc mạc, chất quê trong chính âm nhạc gã mang đến cho đời này, trong vỏ-ngôn-từ-độc-đáo và cả những cô nàng Thị Mầu của gã…
Chẳng ai đem lửa để bỏ vào... lửa
Lê Minh Sơn đã không nói thì thôi, đã nói thì toàn “tuyên bố” là “khẩu hiệu”… Cũng như đã xuất hiện ắt hẳn phải có cái mới. Anh chia sẻ cái cớ anh trở lại trong đêm nhạc “Cửa thơm mùi nắng” cùng Hoàng Quyên và Tùng Dương ngày 13/6 này chứ?
Mới trong chính tâm hồn mình. Tôi cho rằng với người nghệ sỹ đó là cái mới được đón đợi nhất. Âm nhạc sẽ gồm những ca khúc trong album “Cửa thơm mùi nắng” của Hoàng Quyên. Dẫu album này đã được ra mắt dịp Valentine vừa rồi nhưng những gì tinh tế, trong veo và giản dị thì chẳng bao giờ cũ.
Hoàng Quyên là cô bé rất đặc biệt. Tôi rất nâng niu cô ấy. Tình cảm đó nó như là bố với con gái vậy. Quyên thương lắm!
Nghe anh nói tôi tò mò quá! Về Hoàng Quyên ấy…?
Đấy em xem, cuộc sống này, và nền văn hóa văn nghệ của mình nó đã nhạt nhẽo đến mức người ta đề cao, quan tâm vào những giá trị thân thể, chân dài, ngực lớn. Quyên nó thấp, lại nghèo. Mà nghèo thì thương… Nhưng Quyên có cái lõi rất quý được kết tinh từ những điều đẹp đẽ.
Cũng như Lê Minh Sơn ngày xưa cũng được các thế hệ đàn anh như Dương Tường, Nguyễn Cường nâng niu, kích thích sáng tạo nghệ thuật. Tôi chỉ nghĩ đời có vay có trả, trước mình được đối tốt thế nào thì giờ mình phải có trách nhiệm che chở, thúc đẩy những tài năng trẻ.
Tôi đang mường tượng những gì anh nói và thấy rằng Hoàng Quyên đúng là cô bé con mà Lê Minh Sơn tìm kiếm bấy lâu để “nâng niu” và có cảm giác được che chở. Lâu nay người ta thấy anh bị “át vía” bởi những ca nữ dữ dội và nổi loạn mà?
Đúng là trước nay tôi toàn gặp Thị Mầu (cười to). Đời tôi không có con gái nên gần về cuối tôi có Quyên để thương và che chở. Nó như một chiến thắng với người đàn ông như tôi. Và tôi muốn khoe khoang, có một chút hãnh diện.
Nhưng cũng đầy ám ảnh, mê thú của gã trai trước “Cửa thơm mùi nắng,” “Ổi ương đầu cành” từ những tên gọi bài hát mà anh viết cho Hoàng Quyên?
Với người nhạc sỹ như tôi gặp được người trẻ, có lõi như Hoàng Quyên quý lắm. Quyên cũng bướng lắm. Nó cho mình cảm hứng và sự tươi trẻ. Đời tôi, âm nhạc của tôi vì thế bớt buồn.
Anh yêu quý Hoàng Quyên! Vì sao?
Nếu biết vì sao mà yêu quý nhau thì chắc đã chẳng yêu quý nhau rồi. Yêu nó là mù mà… Gặp là thương ngay.
Hoàng Quyên- Thị Mầu mới của Lê Minh Sơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thương thật vì nhiều tài năng trẻ bây giờ, có lõi nhưng lại chật vật đến với khán giả. Chưa nản thì cũng cảm thấy “sốt ruột” lắm…Bọn trẻ thời nay bị sống gấp như câu slogan thiếu văn hóa khủng khiếp “sống là không chờ đợi.” Vậy là sống ép à? Cơm phải chín mới thành gạo, quả chín mới ngọt lành chứ. Cũng như ngành giải trí hiện nay sẽ thật ngu xuẩn khi so sánh tài năng và cát- xê. Có những ca sỹ chẳng hát hò gì chỉ lên sân khấu uốn éo nhưng kiếm bạc tỷ là do công nghệ. Mà đã là công nghệ thì có thể biến vịt thành thiên nga, làm miếng thịt ôi thành món ăn hấp dẫn.
Vậy những nhạc sỹ, nhà sản xuất âm nhạc như anh lấy gì để “gà” của mình cạnh tranh nổi đây? Vì người nhà cũng đâu thể khen nhau hoài, ca sỹ vẫn phải đến với khán giả, bán đĩa, diễn show?
Việt Nam mình chưa có nền công nghiệp ca nhạc. Như Quyên ấy tôi vẫn phải thả cô ấy trong mấy năm tự bơi ngoài thị trường để mắt thấy tai nghe thực tế của nghề. Nếu không hợp, thì Quyên lại quay về với tôi. Tôi sẽ để Quyên từ từ đi, từng bước, từng bước. Tôi tin cô ấy sẽ là lứa kế thừa những Thanh Lam, Mỹ Linh bây giờ. Niềm tin này đã có trong tôi và khi tôi đã tin thì ít khi sai lắm…
Hỏi thật anh nhé! Giờ anh có tự tin không, tự tin đủ lửa để cháy lần nữa cùng tiếng hát của Hoàng Quyên không. Điều Lê Minh Sơn đã làm được với Tùng Dương, Thanh Lam, Ngọc Khuê...?
Em nghĩ tôi đã hết lửa rồi đúng không? (Trước yêu cầu nhìn vào mắt PV trả lời, Sơn ngó nghiêng với đôi mắt trợn trừng lên phía cao như để hỏi chính mình) Đúng, tôi không còn đủ lửa. Bởi vì không việc gì phải bỏ lửa vào với lửa (cười khoái trá).
Tôi nói em biết chính Quyên là một ngọn lửa. Ngọn lửa đó đã làm nóng lại nhiệt huyết và sự hăng say trong âm nhạc của chính tôi. Tôi sẽ là người thổi lửa. Vì thời nay khác nhiều rồi, ca sỹ không sống nổi bằng tiếng hát. Vì vậy để ngọn lửa ấy cháy bằng tiếng hát cần chiến lược và tư duy hẳn hoi.
Những đêm nhạc của mình, Lê Minh Sơn luôn phiêu cùng cây guitar. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cách giữ hay nhất là buôngCó lúc tôi nghĩ Lê Minh Sơn và thứ âm nhạc của anh bất chấp thời điểm và ngôi sao. Chỉ mình anh cùng cây guitar cũng đủ... phê rồi. Thế nhưng sự góp mặt của Tùng Dương cùng ca khúc về biển “Biển của ta” phải chăng là “điểm nhấn” đêm nhạc lần này?
Tùng Dương buộc phải xuất hiện để hát “Biển của ta.” Đất nước mình đang nước sôi lửa bỏng, Lê Minh Sơn là người nghệ sỹ không vì cớ gì không yêu nước bằng lời ca, giai điệu.
Nếu nghĩ thật kỹ thì sẽ thấy rằng đất nước như mẹ cha ấy, luôn cho mình chứ mình thì cho được gì đất nước. Mà cái mệnh của tôi phải gắn với đất nước. Ca khúc đầu tiên đưa tôi đến với khán giả là về quê hương “Ôi quê tôi.”
Và bây giờ với khoảng cách 10 năm để tôi tri ân tình yêu đó với cảm xúc dày dặn cùng “Biển của ta.”Cũng có ý kiến đó là giải pháp am toàn cho đêm nhạc và cả “thương hiệu” bán vé nữa?
Âm nhạc và con người Lê Minh Sơn không có hai chữ an toàn và càng không có sự tính toán. Mà đó là sự cân bằng. Cuộc đời này được và mất, buồn ít buồn nhiều là do sự cân bằng. Một đêm nhạc có tiếng guitar của Lê Minh Sơn, giọng hát mới, đầy lửa Hoàng Quên và sự gạo cội của Tùng Dương thì mới trọn và đầy. Đó là kinh nghiệm của tôi…
Lời đầu môi anh nói nâng niu Quyên thế sao đêm nhạc không độc tôn cô ấy mà phải cần thêm Tùng Dương. Tùng Dương cũng sẽ làm Hoàng Quyên bị nhòa chứ! Hay anh sợ Hoàng Quyên không đủ làm “đầy” không gian Nhà Hát Lớn ư?
Không! Quyên không bao giờ nhòa. Bởi dễ nhòa thế Lê Minh Sơn chẳng “chơi” (cười). Âm nhạc của Lê Minh Sơn còn có cả Tùng Dương. Chính vì nâng niu Quyên nên đêm nhạc phải có Tùng Dương. Dương là đàn anh, và Dương sẽ nâng giọng hát của Hoàng Quyên. Mỗi người có một thế mạnh trong tôi nhưng Dương là bao trùm. Dương có sự đỏng đảnh, ma mị, liêu trai, mong manh, yếu ớt đến tận cùng trong giọng hát. Dương sẽ là nốt “thăng” cho đêm…
Cái nội năng trong con người nó kỳ lạ lắm! Quyên nó nhỏ bé vậy thôi nhưng chỉ cây guitar của tôi và giọng hát ấy mà Quyên làm cả sân vận động mấy vạn người lặng thinh, một lúc sau thì vỗ tay rào rào. Sức hút của Quyên đến mức đấy cơ mà…
Quyên cũng có cái tôi nghệ sỹ, cá tính lắm! Khi nào cũng thế, Quyên chỉ hát theo điều Quyên nghĩ là hay. Nhưng đến khi hát xong khán giả không vỗ tay con bé ấy mới chịu nghe lời của tôi.
Tôi không muốn Quyên biến thành tắc kè hoa, càng chẳng muốn cô phải lần mò, dò dẫm. Tôi sẽ dìu dắt bằng vốn nghề của mình để Quyên đến với khán giả. Đó là sự cân bằng giữa cái nghệ sỹ thích và khán giả thích.
Lên sân khấu mà cực đoan quá thì chỉ tự làm khó mình. Đám đông nào thì cũng là đám đông, Quyên sẽ đến với số ít khán giả nhưng số ít đó nuôi được đám đông ấy…
Sự tái hợp của Lê Minh Sơn và Hoàng Quyên trên sân khấu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Có khi nào khi nghĩ về những "Thị Mầu" đã đến và đi trong âm nhạc Lê Minh Sơn anh thấy đàn bà rất tham lam không. Họ không bao giờ biết đủ, ngay cả sự“vạm vỡ” và nâng niu của anh cũng không thể giữ nổi?Họ đều là những con khỉ cái cả (cười to). Những con khỉ cái xinh đẹp. Nhưng trước những con khỉ cái xinh đẹp chẳng dại gì Lê Minh Sơn biến thành con người.
Trong cuộc đời này, con người đến với nhau đều là chữ duyên. Đừng nghĩ đến những gì tuyệt đối. Gặp nhau vì duyên, ở với nhau tùy duyên. Đôi khi mình chỉ là nơi trú chân trên con đường của họ. Cái giữ hay nhất là buông. Giữ thể xác chứ sao giữ nổi tâm hồn của nàng. Và biết đâu khi mình buông, giải thoát để nàng tìm đến những chân trời mới, nàng sẽ học được một điều chẳng có chân trời nào tuyệt bằng mình. Và một ngày nàng sẽ quay về…
Ảo tưởng quá!
Tôi tự tin chứ! Và tôi yêu bản thân mình đến mức không bao giờ làm bậy bạ. Tôi sống hiền lành và tử tế. Lê Minh Sơn chưa mất cái và cũng chưa ai bỏ Lê Minh Sơn đi cả. Chỉ là thời điểm đó, nên dừng lại.
Điều đọng lại trong anh về những Thị Mầu khi họ rời đi là gì… Sau Thanh Lam, Ngọc Khuê, Hà Linh… Hoàng Quyên có phải Thị Mầu mới của Lê Minh Sơn không?
Đó là cái may mắn của cuộc đời tôi. Vì trong gu của Lê Minh Sơn, Thị Mầu là người đàn bà đẹp nhất, đỏng đảnh, quyến rũ và cá tính.
Ai thích bà hoàng, công chúa chứ Lê Minh Sơn chỉ thích Thị Mầu, Thị Nở và Cám thôi… Tôi biết ơn tất cả. Những Thị Mầu đã làm cho một Lê Minh Sơn “chín” dần. Từ thằng nhóc hiền khô, quê mùa thành gã đàn ông chỉnh chu, tử tế như bây giờ.
Tôi biết ơn Lam, Khuê và tôi tiếc cho Hà Linh.
Về sau nghĩ lại cũng chẳng có gì mà tiếc, bởi Hà Linh có quá đầy đủ mọi điều kiện để thành sao, nhưng đó chính lại là bi kịch. Vì nghệ sỹ phải thiếu một cái gì đó. Làm nghệ thuật phải đói khát cái gì đó thì người ta mới cần, mới khát khao tìm kiếm mới đủ đam mê, kiên nhẫn để đào sâu cho tới lúc chạm tới nó. Đó là Lê Minh Sơn nói nhé!
Theo Đặng Vũ Anh