Lễ hội xấu xí

Cảnh tượng người dân chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau ở đền Trần (Nam Định).
Cảnh tượng người dân chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau ở đền Trần (Nam Định).
TP - Theo định nghĩa của bách khoa thư Việt Nam, lễ hội là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng.

“Lễ” là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

“Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống

Tuy nhiên, nhìn vào gần 8.000 lễ hội trên cả nước ở thời điểm này, tính chất văn hóa đa phần rất thấp. Thay vào đó, nhiều lễ hội đang là nơi “thể hiện sinh động” sự xô bồ, giành giật, kiếm chác, lòng tham, mù quáng…của người đời.

Theo một chuyên gia văn hóa, người đi lễ hội hiện nay chủ yếu là giới trẻ và phần lớn không hiểu về lễ hội đó. Người ta đi đền, đi chùa xin buôn một lãi mười, thậm chí “xin phòng thuế, công an có mắt như mù”, xin sinh được con trai, xin cái nhà vài tỷ...?Lễ hội bây giờ cũng là nơi làm ăn, kiếm chác của dân địa phương, thậm chí “góp phần” tăng thu ngân sách xã, huyện nên khắp nơi đua nhau làm lễ hội.

Đã có những lễ hội ngưng tổ chức gần nửa thế kỷ bây giờ cũng được phục dựng à uôm vì những mục tiêu nêu trên. Nhìn vào thành phần ban tổ chức nhiều lễ hội, có thể thấy ngay “mùi tiền” ngay từ chỉ tiêu giao nộp và được phó thác cho những người cân, đong, đo, đếm lời lỗ là chính.

Theo PGS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, đa phần các lễ hội làng đều tẻ nhạt, đơn điệu do chỉ được phục dựng theo trí nhớ và vận dụng kinh nghiệm từ các nơi khác. Chúng được thực hiện theo kịch bản na ná như nhau, cực kỳ tốn kém và ít hiệu quả. Với những lễ hội như thế, một số người sẽ có cơ hội trục lợi, nhưng văn hóa nước nhà đang phải nhận lĩnh những trái đắng.

Trong hai ngày hội 13 và 14/2 (14 và 15 tháng giêng), cảnh tượng người dân chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau ở đền Trần (Nam Định) hòng lấy may là vô cùng phản cảm nhưng cho dù báo chí tốn bao giấy mực đả kích chuyện này thì nó vẫn cứ lặp đi lặp lại. Câu chuyện đền Trần và cảnh tượng tương tự ở nhiều lễ hội trên cả nước cho thấy văn hóa vật chất, văn hóa trục lợi mù quáng của một bộ phận không nhỏ của xã hội.

Đáng buồn là sự văn hóa ấy lại được “nhân rộng” nhờ những toan tính mang tính chất lợi ích cục bộ của nhiều địa phương núp dưới cái vỏ “bảo vệ di sản văn hóa truyền thống” và sự thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý văn hóa.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).