> Cô giáo tương lai xinh đẹp như hot girl
Theo tính toán của một cô giáo ở Cai Lậy, Tiền Giang được báo Tuổi trẻ dẫn lời: Chỉ tính riêng công tác chuyên môn, cô có tổng cộng 14 loại sổ sách phải hoàn thành gồm: giáo án lớp 10, giáo án lớp 11, giáo án hướng nghiệp, giáo án hoạt động ngoài giờ lên lớp, kế hoạch cá nhân, sổ báo giảng, sổ tự nghiên cứu, sổ điểm, sổ dự giờ, sổ lưu đề kiểm tra, sổ học nghị quyết, sổ họp chuyên môn, sổ họp hội đồng sư phạm, sổ học tập bồi dưỡng chuyên đề. Giáo viên chủ nhiệm có thêm hàng loạt loại sổ sách phải làm. Còn một loại sổ nữa là sổ ghi các loại sổ, để liệt kê hết các loại sổ trên, mới nhớ hết được.
Có giáo viên ở tỉnh Đồng Tháp, tính: Cộng luôn các sổ thuộc công tác chuyên môn thì lượng sổ sách lên đến con số 24.
Những loại sổ ấy chỉ có ý nghĩa khi có đoàn thanh tra GD&ĐT đến. Rất hình thức và thừa thãi, chúng đã ngốn hết thời gian nghiên cứu chuyên môn của giáo viên. Còn vài tiếng ban đêm, họ chấm bài và soạn giáo án. Hai tháng hè, hết tập huấn, cập nhật chuyên môn, lại họp hành. Vợ giáo viên bây giờ khổ hơn vợ giáo viên xưa?
Chưa bao giờ, giáo viên cảm thấy sức ép nặng nề như vậy. Ở vùng sâu vùng xa miền núi, là sức ép vận động đưa trẻ đến trường, vượt lên nỗi buồn hoang vắng, một áp lực mang tính tự thân đầy nhân văn. Ở đô thị, là sức ép số học sinh giỏi, là thương hiệu của trường. Bệnh thành tích đè nặng từ trên xuống, phía dưới đáy luôn bị nén nặng và đau nhất.
Nặng và đau đến mức nghe tin bị kỷ luật, có cô giáo tự tử ngay, có thầy giáo bị trầm cảm, có giảng viên làm đơn rời biên chế. Sức ép từ ba bề bốn bên: nhà trường, ngành, địa phương, phụ huynh, dư luận xã hội. Một nhà nghiên cứu giáo dục cay đắng thốt lên: Hình ảnh người thầy giáo trên báo chí sao mà đen quá.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói “Tôi coi đổi mới giáo dục lần này như trận đánh lớn”. Trận này không đánh đuổi được bệnh thành tích và hình thức, thì có lẽ Bộ lại thua.