Ông Phạm Văn Đình, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Chuyên Ngoại cho biết, toàn xã có tới 1.381 cụ, trong đó có đến 577 cụ từ 80 đến 99 tuổi, 4 cụ trên 100 tuổi, còn lại là các cụ từ 60 đến 79 tuổi.
Tại thôn Từ Đàm, có tới 11 cặp vợ chồng già đã chung sống với nhau từ 60 năm trở lên. 11 đôi cao niên này đang sống khỏe mạnh, hạnh phúc, thậm chí có những cụ khỏe mạnh khiến "thanh niên còn phải nể" như vợ chồng cụ Nguyễn Văn Đàm (93 tuổi) và cụ Nguyễn Thị May (95 tuổi). Cụ Đàm vẫn làm công việc thường ngày của mình là đan rổ rá rồi đem ra chợ bán. Cụ có thể đốn từng cây tre lớn rồi vác bộ hàng cây số đường làng về, lại tự tay chẻ tre đan rổ.
Bà Lê Thị Phương, con dâu cụ cho biết, ở đây, người ta gọi cụ là “cụ thanh niên”. Lần sửa nhà hồi đầu năm, lão nông này còn vác đá hộc lên xe rồi đẩy từ ngõ vào nhà, khiến nhiều người tròn mắt. Cụ Đàm lấy vợ năm 1948, cụ May dù không làm việc nặng được như cụ ông nhưng cũng hoàn toàn khỏe mạnh, cả chục năm nay không phải đụng đến viên thuốc.
Cũng ở thôn Từ Đàm, có cụ bà Nguyễn Thị Quyền đã 101 tuổi nhưng không cần đeo kính mà vẫn đọc truyện Kiều, sách cổ bằng chữ Nôm và giảng nghĩa cho con cháu. Hàng ngày cụ Quyền vẫn tập thể dục, giặt giũ quần áo và xem đó là cách để rèn luyện sức khỏe.
Người cao tuổi nhất xã là cụ Nguyễn Thị Nga, năm nay tròn 104 tuổi, sống ở thôn Yên Lệnh nhưng vẫn hát trống quân chẳng kém văn công. Hàng xóm của cụ cho biết, mỗi khi có việc làng, việc xã, cụ vẫn được mời biểu diễn.
“Đồng hạng” với cụ Nga còn có cụ Lương Thị Mỵ (103 tuổi), cụ Ngô Thị Hòa (100 tuổi). Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, các cụ đều nói giống nhau: luôn lạc quan, vui vẻ và làm việc để rèn luyện thân thể.
Theo ông Đình “bí quyết sống lâu trăm tuổi” của người già ở đây là tất cả các cụ đều sống bằng nghề nông, vì thế mà các cụ được rèn luyện thân thể thường xuyên, đầu óc thảnh thơi nên tinh thần, thân thể đều khỏe mạnh.
Theo Hoàng Long