Đóng góp lớn lao cho Phật giáo Trúc Lâm
Thiền sư Huyền Quang (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái quê ở hương Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ (nay thuộc xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh). Nổi tiếng là người học cao tài giỏi, làm quan tới năm 51 tuổi ông xin từ quan để xuất gia.
Tọa đàm diễn ra tại khu di tích quốc gia đặc biệt Ngọa Vân - xây trên nền tháp lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông (Đông Triều, Quảng Ninh) ngày 2/3 - đúng kỷ niệm ngày viên tịch của thiền sư Huyền Quang.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) - chủ trì tọa đàm hy vọng các nhà nghiên cứu, diễn giả tập trung làm rõ ba chủ đề: tiểu sử và hành trạng của thiền sư Huyền Quang, tư tưởng thiền học và đóng góp của ngài với Phật giáo Trúc Lâm, vị trí của cụm di tích Phật giáo Ngọa Vân trong cụm di tích Phật giáo Yên Tử qua những phát hiện mới của các nhà khảo cổ học.
Nhiều ý kiến đóng góp làm rõ thân thế, sự nghiệp của đệ Tam tổ Huyền Quang. |
TS. Nguyễn Văn Phong (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết quá trình khảo sát, nghiên cứu 12 văn bia ở các chốn tổ Trúc Lâm có 10 văn bia niên đại từ năm 1604-1720 tôn vinh Huyền Quang là đệ Tam tổ, 2 văn bia ở chùa Đại Bi ngay trong tên đã ghi rõ Huyền Quang là Trúc Lâm đệ Tam tổ.
Chùa Ngọa Vân tọa lạc tại xã An Sinh và Bình Khê, thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ngọa Vân còn có tên gọi khác là chùa am Ngọa Vân - ngôi chùa nằm trên mây. Vị trí này cao hơn 500m so với mực nước biển, được xây dựng vào thời Trần, được tôn tạo để hoàn thiện hơn về mặt kiến trúc dưới thời Hậu Lê. Đây là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành đắc đạo, còn được xem là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Di tích Ngọa Vân là điểm đến tâm linh quan trọng. Ngọa Vân - Bảo Đài sơn không chỉ là điểm nhấn về cảnh quan mà còn được xem là nơi vua hóa Phật đầy linh thiêng.
"Những văn bia này được soạn khắc từ đời Trần, thời Lê trung hưng. Năm nay Viện Trần Nhân Tông sẽ tổ chức hội thảo về đệ Tam tổ, qua đó đào sâu nghiên cứu, sưu tập thêm tư liệu về thiền sư Huyền Quang", ông nói.
Lâu nay người ta hay dùng cụm từ Thiền phái Trúc Lâm, tuy nhiên Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh - cho rằng Phật hoàng Trần Nhân Tông với công lao lớn sáng lập Phật giáo Trúc Lâm.
Phật hoàng Trần Nhân Tông và các vị thiền sư như đệ Nhị tổ Pháp Loa, đệ Tam tổ Huyền Quang có nhiều công lao lớn cho nền Phật giáo thống nhất, nhập thế - Phật giáo Trúc Lâm. Sự thống nhất ở chỗ Trúc Lâm không chỉ có hệ thiền mà còn bao gồm tịnh độ, mật tông.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - mong các chuyên gia tiếp tục hoàn thiện tài liệu về thiền sư Huyền Quang. |
Sau khi Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308) tại Ngọa Vân am, đến năm 1309 Huyền Quang phụng mệnh di chúc Điều Ngự theo học thiền sư Pháp Loa (1284-1330) - thiên tài hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, được Điều Ngự phó thác làm Tổ thứ 2 của dòng thiền Trúc Lâm, nhận trách nhiệm lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm ở tuổi 24.
Thiền sư Huyền Quang về trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh). Tam Tổ thực lục ghi lại Tam tổ Huyền Quang học nhiều, tinh thông Phật pháp, tăng ni theo về học đạo có đến hàng nghìn người.
Ngọa Vân am là một trong những nơi lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Thượng tọa Thích Đạo Hiển đánh giá cuộc đời của Trúc Lâm đệ Tam tổ thiền sư Huyền Quang là một cuộc đời trọn vẹn với hạnh nguyện cống hiến hết tài năng và trí tuệ cho đạo và đời.
"Cùng với Trúc Lâm sơ tổ và Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang đi khắp mọi nẻo đường nỗ lực hoằng dương Phật pháp Trúc Lâm. Ngài biên soạn kinh sách, xây dựng đạo tràng, đào tạo tăng tài, đăng đàn thuyết pháp, xây dựng chùa chiền, viết vịnh đề thơ… và hơn hết, ngài đã làm cho dòng chảy Phật pháp Trúc Lâm lưu truyền mãi mãi trong dân gian”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nêu.
Nghi án cung phi Điểm Bích
Nhắc tới thiền sư Huyền Quang không thể không nhắc tới nghi án lịch sử, giới Phật giáo lại xem đó là nỗi oan thế kỷ. Huyền Quang hứng chịu không ít những công kích, chia rẽ, nghi ngờ dành cho Phật giáo trong quá trình ông tu học và nhận trách nhiệm giúp đỡ Nhị tổ Pháp Loa.
Trong thời gian Huyền Quang trụ trì và hoằng đạo ở chùa Vân Yên, vua Trần Anh Tông dùng mỹ nhân kế để thử dục vọng nhưng không thành. Đó là câu chuyện liên quan đến cô cung nữ Điểm Bích. Sách Tam Tổ thực lục đã dành nhiều trang kể lại nỗi hàm oan của thiền sư.
Dự tọa đàm, nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng có tham luận tập trung làm rõ những uẩn khúc trong cuộc đời thiền sư Huyền Quang, trong đó có vụ Điểm Bích. Một lần nữa nhà nghiên cứu nhắc lại nỗi oan của thiền sư Huyền Quang do bị Điểm Bích dựng chuyện rằng ngài đã ngã lòng trước nhan sắc, dục vọng.
Đêm thơ Huyền Quang giới thiệu nhiều tác phẩm nổi bật của thiền sư. |
Thực tế ngay sau khi xảy ra, nhà vua cho gọi thiền sư về triều, sau đó đã nhận thấy sai lầm do “giăng lưới bắt chim” thử thách nhân cách và sự tu học của Huyền Quang.
Chứng kiến hạnh pháp của thiền sư cao siêu nên nhà vua đến tạ lỗi với ngài, phạt Điểm Bích làm tì nữ quét dọn một ngôi chùa trong nội điện cung Cảnh Linh, rồi càng thêm tôn kính Thiền sư và gọi là Tự Pháp (ghi nhận thiền sư là người thừa tự pháp, nối dòng pháp của Phật giáo Trúc Lâm).
Hòa thượng Thích Thanh Quyết nêu quan điểm đây là “nỗi oan lịch sử, để có được nỗi oan như thế phải là người rất đặc biệt” và “không dễ gì giải oan được”, bởi dù được vua minh oan nhưng người đời vẫn có những góc nhìn hồ nghi về câu chuyện gắn với thiền sư Huyền Quang và Điểm Bích. Nỗi oan đi vào văn chương, trở thành những giai thoại lịch sử. “Bằng nhiều góc độ, chúng ta tiếp tục nhìn nhận uẩn khúc này”, Hòa thượng nói.
Di tích Ngọa Vân đang là điểm đến tâm linh được đầu tư bài bản để phục vụ du khách và Phật tử thập phương hành hương, chiêm bái. |
Hơn chục tham luận, ý kiến trình bày trong tọa đàm phần nào làm rõ thêm thân thế, đóng góp của thiền sư Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết sẽ cùng các nhà khoa học, chuyên gia hoàn thiện các báo cáo và những phát biểu để lưu lại cống hiến của đệ Tam tổ Huyền Quang đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Tối cùng ngày, các chuyên gia, Phật tử dự Đêm thơ Huyền Quang tại di tích Ngọa Vân với ba phần: Cảnh sắc thiên nhiên trong cõi lòng thiền sư, con đường chứng đạo, ngộ đạo.
Bên cạnh những đóng góp cho Phật giáo, thiền sư Huyền Quang còn làm thơ phú, hiện còn lưu được 24 bài được chép trong Việt âm thi tập (1459) và Trích diễm thi tập (1497) vào cuối thời Lê Thánh Tông.
Là người biên soạn sách Phật học, uyên thâm Phật pháp, đắc đạo nhưng các bài thơ của Thiền sư đều không nặng nề ngôn từ Phật học, mà rất bình dị, phần lớn hướng đến cảnh thiên nhiên, đề mai, vịnh cúc... đậm chất phóng khoáng, nhẹ nhàng, bay bổng, an nhiên tự tại. Đơn cử: “Năm năm nở đúng tiết thu qua/ Gió dịu trăng thanh ý mặn mà/ Cười kẻ không hay hoa huyền diệu/ Khi về mái tóc giắt đầy hoa. (Cúc hoa 4 - thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch thơ).