Thiếu hiểu biết về tôn giáo
Những năm trở lại đây, việc tuyên truyền, vận động không sử dụng vàng mã được chú trọng, lượng người sử dụng vàng mã giảm đi trông thấy.
Tuy nhiên đâu đó còn nhiều người mê muội đổ tiền mua hàng tấn vàng mã nhằm mưu cầu may mắn, bình an cho gia đình và cộng đồng. Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ nhận thức coi “trần sao, âm vậy” tồn tại đã lâu ở Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết việc đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt. Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm” với hình thức tượng trưng.
“Về mặt chủ quan sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã suy cho cùng chỉ là sự lệch lạc, biến tướng từ nhận thức coi trần sao, âm vậy. Điều này là một phần của thói quen mà không dễ dàng thay đổi”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Hình ảnh người dân đốt hàng tấn vàng mã lan truyền trên mạng xã hội cho thấy sự lãng phí. |
Bên cạnh đó, tâm lý ganh đua, so sánh dẫn đến hàng loạt người dân bắt chước nhau đốt ngày càng nhiều vàng mã. Việc không thực hiện nghiêm các quy định nhà nước ở một số di tích cũng như hoạt động quản lý nhà nước chưa tốt, thiếu thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng khiến tình trạng đốt vàng mã một cách lãng phí, thừa thãi.
Một trong những nguyên nhân của sự mê muội, biến tướng được các chuyên gia văn hóa chỉ ra là do sự thiếu hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng của một bộ phận người dân.
"Tôn giáo và tín ngưỡng thường có ảnh hưởng lớn đến hành vi đi lễ của mỗi người. Một số người tin rằng việc đốt vàng mã sẽ mang lại sự may mắn, phú quý theo quan điểm tâm linh mà không xem xét đến tác hại môi trường và tài chính", PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải.
Đốt vàng mã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người khi đến chiêm bái các ngôi đền, chùa. |
TS. Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định hiện nay, không ít trường hợp lạm dụng đồ mã với kích thước và số lượng lớn tại một số cơ sở thực hành tín ngưỡng bản địa như đền, phủ, miếu để phô trương, thu hút nhiều tín đồ đến chiêm bái, từ đó dẫn đến sự ganh đua không đáng có giữa các cơ sở thờ tự.
“Đốt vàng mã với số lượng ít như một thói quen, một nét văn hóa thể hiện niềm tin, tình cảm với người đã khuất vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện tình trạng ganh đua đốt vàng mã với số lượng rất lớn, gây hiểu sai về niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường”, TS. Hoàng Văn Chung nói.
Không phải đốt nhiều mới thể hiện lòng thành
Ngoài những nguyên nhân nêu trên khiến nhiều người u mê, đốt vàng mã thái quá, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng người dân không biết những cách thức thay thế nào cho đốt vàng mã để thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, thánh thần.
Vì vậy để giảm thiểu vấn nạn đốt vàng mã trong các nghi lễ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất cần phát triển và giới thiệu các phương án thay thế an toàn và thân thiện với môi trường để thể hiện lòng thành kính.
Vàng mã mini được kỳ vọng thay đổi tác hại của vàng mã với môi trường, sức khỏe người dùng mà vẫn thể hiện được lòng thành kính. |
Các phương án này cần phải được công bố rộng rãi và dễ dàng tiếp cận cho người dân. Nhà quản lý cần hợp tác chặt chẽ với các thủ nhang, thủ từ, người trông coi di tích và các cộng đồng địa phương để họ tăng cường hiểu biết và chấp nhận các phương thức thay thế và bảo vệ môi trường.
"Chúng ta cần tiếp tục giáo dục, tuyên truyền và phổ biến thông tin về tác hại của việc đốt vàng mã đối với môi trường và sức khỏe con người, nhằm tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng. Bên cạnh đó, nhà nước nên ban hành thêm các chính sách và quy định pháp luật cụ thể hơn nữa để hạn chế việc đốt vàng mã trong các nghi lễ, và thực hiện việc kiểm tra và xem xét trách nhiệm đối với những người vi phạm", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Vàng mã truyền thống được sản xuất từ giấy bạc khi đốt phát tán hạt bụi, kim loại nặng cùng các khí độc gây ô nhiễm môi trường không khí và làm tổn hại đến cơ quan hô hấp. Nhằm khắc phục những bất cập khi tiêu thụ vàng mã truyền thống, vàng mã mini ra đời với mục đích bảo tồn nét văn hóa truyền thống, giảm thiểu mọi nhược điểm như cồng kềnh, lãng phí, ô nhiễm, nguy cơ hỏa hoạn…
Họa sĩ Yến Năng là người đưa vàng mã mini thành một nét văn hóa gần gũi với người tiêu dùng. Đồ mã tí hon được sản xuất từ năm 2019, đa dạng không kém loại vàng mã kích cỡ bình thường, tiết kiệm và không gây ô nhiễm như vàng mã truyền thống.
Vàng mã mini được đóng gọn trong hộp nhỏ như cuốn sách, phân loại cụ thể tùy mục đích sử dụng như cúng giỗ ông bà, cúng tất niên, rằm tháng Giêng hay động thổ, nhập trạch,…