Biến đổi không ngừng
Lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội có lịch sử lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa khá riêng biệt của Hà Nội.
Có thể kể ra một số lễ hội truyền thống tiêu biểu trong khu vực nội thành Hà Nội như lễ hội ở “tứ trấn” của Hà Nội là lễ hội ở Đền Voi Phục (thờ Linh Lang Đại vương), đền Bạch Mã (thờ thần Long Đỗ - vị thần gốc của Hà Nội cổ), đền Kim Liên (thờ Cao Sơn Đại vương), đền Quán Thánh (thờ Huyền Thiên Thánh vũ).
Có lễ hội vẫn giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay như: Hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Hội năm làng Mọc (quận Thanh Xuân), Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm).
Tuy nhiên, trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể.
Đình Chèm hay còn gọi là đền Chèm nằm ngay trên bờ nam sông Hồng. |
Nhiều chuyên gia văn hóa đánh giá, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống dù gặp nhiều khó khăn, song phải được thực hiện bởi giá trị lễ hội có vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần vào dòng chảy của văn hóa dân tộc.
TS. Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hoá) khẳng định, thời gian qua có không ít các hoạt động lễ hội được thực hành chưa đúng. Điển hình là việc làm trần tục hóa các hoạt động lễ hội có tính tâm linh, mang các nghi lễ đó ra trình diễn ở những nơi không phải là không gian văn hóa liên quan tới nghi lễ đó hoặc là phục vụ du lịch, hay việc làm giảm đi tính thiêng khi tổ chức các lễ mật.
“Trường hợp cho máy quay phim, chụp ảnh, livestream (phát trực tiếp) phổ biến trên mạng xã hội của lễ mật trong lễ hội Trò Trám, mang trích đoạn lễ cấp sắc ra biểu diễn phục vụ du lịch là ví dụ điển hình”, TS. Phạm Cao Quý nói.
Một vài nơi xảy ra tình trạng "đi hội nhưng chưa hiểu hội". |
Nhiều người quan niệm lễ vật càng lớn thì bổng lộc càng nhiều nên thi nhau đốt vàng mã, rắc tiền lẻ ở khắp mọi nơi, sắm mâm cao cỗ đầy, nhét tiền vào tay tượng, như một cách "mua chuộc" thần linh nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân khiến lễ hội mất đi giá trị vốn có.
Công tác phục dựng lễ hội cũng gặp không ít khó khăn. Một thành viên ban quản lý di tích lịch sử đền Núi Sưa (Hà Nội) cho biết, việc phục dựng lại một lễ hội đã thất truyền hàng chục năm gặp nhiều trở ngại do tư liệu về nội dung và hình thức lễ hội rất hạn hẹp, ký ức của các bô lão địa phương hạn chế do tuổi tác, không gian tổ chức lễ hội cũ, không đáp ứng được cho việc phục dựng lại lễ hội. Ngoài ra, một số ban quản lý di tích chưa ý thức được tầm quan trọng của lễ hội.
Giữ tính đa dạng, tránh thương mại hóa
Do vị trí địa lý và đặc điểm lịch sử, Hà Nội là thành phố có số lượng lễ hội nhiều nhất với khoảng hơn 1.000 lễ hội trong tổng số gần 8.000 lễ hội của cả nước, trong đó lễ hội truyền thống chiếm số lượng lớn.
TS. Đinh Việt Hà (Viện Nghiên cứu Văn hóa) cho rằng, những năm qua hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, trong thời gian tới, cần kiến tạo và phổ biến diễn ngôn về giá trị, ý nghĩa của các lễ hội trong nội thành Hà Nội trong việc tô đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Không ít ý kiến ủng hộ bỏ tục đốt vàng mã. |
“Cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong nội thành Hà Nội cũng như cần có sự đầu tư về kinh phí, hệ thống hóa toàn bộ hoạt động lễ hội và phân ra từng loại lễ hội để có phương án quản lý và hướng dẫn, tổ chức hoạt động thích hợp. Hầu hết, các lễ hội có quy mô lớn thường diễn ra vào mùa xuân", TS. Đinh Việt Hà đề xuất.
Chuyên gia đề xuất nên có sự chuẩn bị kỹ càng một bản đồ du lịch tập hợp các lễ hội tiêu biểu trong nội thành Hà Nội để khách tham quan có thể đến dự và tham gia vào các hoạt động lễ hội.
Nhiều chuyên gia văn hóa cũng nhận định, bên cạnh việc khôi phục các sinh hoạt truyền thống, cần xem xét và chọn lọc, bổ sung thêm những hình thức sinh hoạt mới phù hợp gần gũi với các hoạt động truyền thống để các lễ hội thêm phong phú, sinh động thu hút nhiều đối tượng tham gia, góp phần tăng thêm hiệu quả giáo dục truyền thống.
ThS. Hoàng Thị Thu Hằng (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đề xuất những giải pháp gắn lễ hội truyền thống ở Thủ đô với phát triển du lịch. Lễ hội Chùa Hương (xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức) hàng năm thu hút khoảng 2 triệu lượt khách.
Du khách nườm nượp đổ về dự lễ hội chùa Hương. |
“Để lễ hội truyền thống luôn là một nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch, cần giữ được tính đa dạng của lễ hội truyền thống (đa dạng loại hình, đa dạng các thực hành nghi lễ, đa dạng các biểu đạt văn hóa) gắn với đặc thù của từng lễ hội, từng cộng đồng địa phương. Nên khắc phục tối đa tình trạng phục hồi, làm mới tràn lan lễ hội truyền thống, đưa những yếu tố mới vào lễ hội một cách tùy tiện, không phù hợp, chạy theo hình thức, ThS. Hoàng Thị Thu Hằng nêu.
Việc phục hồi, sáng tạo, làm mới lễ hội nên được thực hiện bởi những chủ thể của lễ hội trong sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan văn hóa, các nhà chuyên môn để quá trình này đáp ứng đúng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Đồng thời khắc phục thương mại hóa một cách quá mức ở các lễ hội truyền thống.