Tiền bồi dưỡng vẫn không quá 200 nghìn đồng
Liên đoàn Xiếc Việt Nam có bước hồi phục khá ngoạn mục sau đại dịch COVID-19. Tại cuộc gặp gỡ các nghệ sĩ gạo cội, các thế hệ lãnh đạo của Liên đoàn và hội nghị khách hàng đầu năm, NSND Tống Toàn Thắng đánh giá hoạt động của Liên đoàn khá sôi động, nghệ sĩ cần nắm bắt cơ hội để bứt phá.
Con số tăng trưởng trong năm 2023 là nỗ lực vượt khó của nghệ sĩ xiếc. Tuy nhiên NSND Tống Toàn Thắng tâm sự dù vượt định mức nhưng tiền bồi dưỡng cho diễn viên vẫn phải theo nghị định, cao nhất chỉ có 200.000 đồng.
“Muốn vậy chúng tôi phải tăng số lượng buổi biểu diễn. Nghe số lượng vượt ngưỡng nhưng tiền bồi dưỡng nghệ sĩ vẫn khó khăn. Vì vậy chúng tôi phải nỗ lực tổ chức một số chương trình xã hội hóa, chẳng hạn đưa nghệ sĩ xuống Hạ Long kết hợp tỉnh Quảng Ninh biểu diễn phục vụ du lịch để tăng thu nhập cho nghệ sĩ”, NSND Tống Toàn Thắng nói.
NSND Tống Toàn Thắng (giữa) thông báo loạt chương trình đặc biệt trong năm 2024. |
Tạo được đà tăng trưởng sau đại dịch, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chuẩn bị cho một năm biểu diễn 2024 sôi động, với hơn 20 chương trình đặc sắc. Trong đó phải kể tới chương trình hướng tới 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Sống mãi với Điện Biên.
Theo NSND Tống Toàn Thắng chương trình được tổ chức dàn dựng, ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, là dịp để các nghệ sĩ xiếc thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân những người đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước, nỗ lực truyền tải lịch sử qua nghệ thuật.
Nghệ sĩ cố gắng kể câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy một cách hấp dẫn nhất bằng ngôn ngữ xiếc. Bên cạnh sự góp mặt của những nghệ sĩ xiếc tài năng nhất của Liên đoàn, NSND Tống Toàn Thắng còn mời một số anh hùng lực lượng vũ trang đến giao lưu với khán giả, trong đó có anh hùng La Văn Cầu.
Bên cạnh Đi cùng năm tháng tri ân những người lính, năm 2024 Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng Sống mãi với Điện Biên. |
Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng tổ chức thành công chuỗi chương trình Đi cùng năm tháng tôn vinh người lính được dàn dựng dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm. Không chỉ dàn dựng chương trình biểu diễn, Liên đoàn kêu gọi xã hội hóa để tặng quà dành tặng các thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 2024 là số thứ 6 của Đi cùng năm tháng được tổ chức.
Giám đốc Liên đoàn khoe trong số hơn 20 chương trình đặc sắc phải kể đến Những cánh hồng bay (dịp 8/3), Gala Xiếc và Ảo thuật 3 miền, Xiếc và Rock, Những ước mơ xanh, Câu chuyện nàng tiên cá, Tấm Cám, bống bống, bang bang…
Tuổi nghề của nghệ sĩ xiếc quá ngắn ngủi
NSND Tâm Chính - nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - vui vì thế hệ lãnh đạo đương nhiệm đã thực hiện được khối công việc khổng lồ, đặc biệt là ý tưởng tôn vinh nữ nghệ sĩ xiếc với Những cánh hồng bay. Năm 2025, Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện chương trình tôn vinh những huyền thoại xiếc, trong đó có Cô hàng nước kinh điển gắn với NSND Tâm Chính.
Nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam NSND Tạ Duy Ánh nhận định xiếc phải thay đổi để thích nghi, trước đây thay vì ép khách hàng có gì xem nấy thì nghệ sĩ phải trao đổi với khán giả, lắng nghe khách hàng để xây dựng chương trình chất lượng.
Nghệ sĩ xiếc khổ luyện nhưng tuổi đời ngắn, bị đào thải nhanh. |
Nghệ sĩ có 48 năm tuổi nghề bày tỏ sự trăn trở bởi nghệ sĩ xiếc khổ luyện trong nhiều năm trời nhưng tuổi nghề của xiếc rất ngắn, phụ nữ sinh nở một, hai lần là không diễn được nữa. “Đào tạo nhiều nhưng trụ lại được rất ít bởi đây là nghề đào thải rất ghê gớm”, NSND Tạ Duy Ánh.
Dịp này một số đại diện từ công ty lữ hành, đơn vị thường xuyên đặt tour góp ý, mong muốn nghệ sĩ xiếc cần tăng tính giải trí, yếu tố mạo hiểm, lồng ghép âm nhạc vui nhộn, bắt trend với giới trẻ hơn để phù hợp cho phân khúc khán giả dưới 6 tuổi.
Với học sinh, nghệ sĩ xiếc có thể tính tới những chương trình sâu sắc hơn, có nhiều tiết mục về lịch sử, chú trọng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sân khấu hơn nữa.