Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ

TPO - "Hoa ban đỏ", "Ký ức Điện Biên", "Đường lên Điện Biên"... là những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của quân và dân ta. 

Hoa ban đỏbộ phim nổi tiếng của đạo diễn Bạch Diệp, ra mắt năm 1994, đúng dịp kỷ niệm 40 chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994). Giữa cuộc chiến khốc liệt, Hoa ban đỏ đan xen những câu chuyện đời thường, giản dị.

Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn trưởng Phương (NSƯT Trần Lực) trọng thương khi chỉ huy cuộc chiếm lĩnh cứ điểm 206. Ở bệnh viện quân y, Phương gặp Tấm (NSND Thu Hà) - cô y tá đồng hương.

Khi vết thương đã lành, Phương tạm biệt Tấm để trở lại đơn vị, cuộc chia tay của họ diễn ra ở một cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ. Cuộc chia tay của họ giữa rừng ban nở rộ được ví là phân cảnh đẹp nhất phim và đầy cảm xúc.

Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 1Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 2

Các diễn viên phim Hoa ban đỏ.

Từ phút ấy, Tấm đã thầm yêu Phương. Ngày cứ điểm bị đập tan, Tấm chạy đi khắp cánh đồng Mường Thanh mà không tìm được Phương, quanh cô chỉ có tiếng hát quân hành của bộ đội mừng thắng trận.

Hoa ban đỏ được khán giả yêu mến nhờ những cảnh quay giàu cảm xúc. Thời điểm sản xuất năm 1993, 1994, bộ phim được đầu tư dàn dựng hoành tráng, gần như 100% bối cảnh được dựng một cách kỹ càng, trung thực.

Những đại cảnh hàng nghìn người được dàn dựng công phu, tạo hiệu quả mà những người làm phim mong muốn. Nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng mà Hoa ban đỏ tái hiện lịch sử một cách đầy thuyết phục và hấp dẫn, vượt lên trên nhiều phim lịch sử cùng thời.

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam tác phẩm Ký ức Điện Biên với kinh phí hơn 13 tỷ đồng - mức đầu tư khủng vào thời điểm đó.

Theo dự kiến ban đầu, bộ phim mang tên Người hàng binh, sau được đổi thành Ký ức Điện Biên. Mạch phim là dòng ký ức của anh bộ đội tên Bạo (Phạm Quang Ánh) và Bernard (Issack Le) - trung sĩ thuộc đơn vị Huguette 1 trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh.

Vì chán ghét chiến tranh và không chịu nổi cảnh đồng đội bị cưa chân mà không có thuốc mê, Bernard đầu hàng để bảo toàn mạng sống. Bạo được lệnh dẫn Bernard về hậu phương để khai thác thông tin.

Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 3Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 4

Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên.

Dọc đường đi, Bernard bị thương trong một trận rải bom của quân Pháp. Cả hai tình cờ gặp được một y tá trong đơn vị dân công đang tải gạo lên chiến trường. Vì muốn nhanh chóng trở về đơn vị, Bạo nhờ cô y tá đi cùng để chăm sóc cho Bernard. Câu chuyện trở nên rắc rối khi Bernard đột ngột muốn quay lại chiến trường để khai thêm thông tin giúp quân ta chiếm sân bay Mường Thanh. Trên đường đi Bernard cảm phục khi quân và dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tới cùng vì độc lập.

Vượt lên hết tất cả sự hiểu lầm xoay quanh Bernard, hay những bối rối trong tình yêu đầu đời thầm lặng với cô y tá, cả ba vẫn chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì ngày toàn thắng. Phim hấp dẫn khán giả ở sự đan xem giữa ký ức và hiện tại, sự kết hợp khéo léo giữa hồi tưởng quá và mong ước tương lai.

Phim dài tập Đường lên Điện Biên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim kể câu chuyện từ năm 1954 với những chàng vệ quốc quân hào hoa rời Thủ đô đi kháng chiến và những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp, nết na. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt được thể hiện lãng mạn mà bi tráng.

Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 5Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 6Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 7Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 8

Đường lên Điện Biên quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng gồm NSƯT Hoàng Hải, Mạnh Trường, Hà Trang, Diễm Hương...

Bối cảnh chính là các tuyến đường hành quân của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm lịch sử. Dàn diễn viên chính của phim gồm NSƯT Hoàng Hải, Mạnh Trường, Huyền Trang, Diễm Hương... Bài hát chủ đề phim có tên Đường lên phía trước cũng được khán giả yêu thích.

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voilà phim tài liệu của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel - phóng viên thường trú của tờ báo cánh tả Pháp L’Humanite (Nhân đạo) tại Việt Nam trong giai đoạn 1980-1986, trước khi trở thành nhà làm phim.

Daniel Roussel xây dựng phim trong hơn 10 năm, từ 1991 đến 2006. Đạo diễn có nhiều cơ hội tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phim được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền và phát sóng vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - tháng 5/2009.

Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 9Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 10

Đạo diễn Daniel Roussel có nhiều cơ hội tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi tái hiện những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nơi quân và dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi trước thực dân Pháp xâm lược. Những thước phim cũng khắc họa vai trò quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Sống cùng lịch sử là bộ phim được nhà nước đặt hàng nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản. Phim xoay quanh nhóm bạn trẻ đi phượt qua những chiến tích Điện Biên Phủ năm xưa.

Suốt hành trình, họ mơ thấy mình xuất hiện trong những trận chiến của ông cha, gặp các anh hùng lịch sử và hóa thân thành những dân công kéo pháo, đào hầm trong 56 ngày đêm. Từ những con người của thế giới hiện đại, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội, họ dần thay đổi theo hướng tích cực.

Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 11Những bộ phim gợi lại ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 12

Sống cùng lịch sử được đầu tư kinh phí lớn.

Sống cùng lịch sử ban đầu được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho mảng phim lịch sử. Tác phẩm từng được chọn mở màn đợt phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chiếu miễn phí cho học sinh, sinh viên trên cả nước. Đáng tiếc, phim không tạo hiệu ứng phát hành như kỳ vọng.

Tin liên quan