Làm đẹp mắt nhờ kính áp tròng: Độc + Lạ + Đẹp + Rẻ = Mù mắt

Có thể bị mù khi sử dụng "len mắt" bừa bãi. Ảnh minh hoạ: Internet
Có thể bị mù khi sử dụng "len mắt" bừa bãi. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Đeo kính áp tròng (contact lens) đang được giới trẻ coi như một cách trang trí cho mắt: thay đổi màu, tạo hình ảnh đồng tử giãn to, mắt có hình con thú được ưa thích hay hình quả bóng, trái tim, ngôi sao…Tuy nhiên không mấy người sử dụng biết được rằng, nếu không có chỉ định của BS, việc đeo kính áp tròng bừa bãi có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt, viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù.

Bị ăn mòn giác mạc vì đeo kính áp tròng  

Bệnh viện Mắt Trung ương vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nữ bị viêm loét giác mạc cả 2 mắt do đeo kính áp tròng. Bệnh nhân là Đ.T.T.T 20 tuổi ở Chư Rông – Đắc Lắc.

Mặc dù không bị tật khúc xạ nhưng thỉnh thoảng T vẫn ra cửa hàng kính mua kính áp tròng đeo để làm đẹp khi đi chơi với bạn bè, mỗi lân sử dụng như vậy T thường dùng liên tục trong vòng khoảng 5 đến 8h trong ngày.

Theo lời kể của T thì trước khi sử dụng kính T có tra thuốc, rửa tay trước và vệ sinh kính như hướng dẫn, nhưng trong lần gần đây nhất khi đeo kính thì bị bụi và mắt, do đang trên đường nên T đã không bỏ kính ra. 

Sau một thời gian T thấy mắt nhìn mờ dần và đỏ mắt nên đã tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về tra. Sau 3 ngày không thấy đỡ, T đã đến bệnh viện chuyên khoa mắt để khám và điều trị nhưng cũng không thuyên giảm. 

Làm đẹp mắt nhờ kính áp tròng: Độc + Lạ + Đẹp + Rẻ = Mù mắt ảnh 1

Khám cho bệnh nhân tại BV Mắt. Ảnh minh hoạ: Internet

Ngày 9/1/2017 T đến khám tại bệnh viện Mắt Trung ương.được các bác sỹ chẩn đoán 2 mắt bị viêm loét giác mạc và cho làm xét nghiệm, kết quả là T bị loét giác mạc do ký sinh trùng Acanthameoba

Ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với mọi người sử dụng kính áp tròng. Theo các chuyên gia, loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi và các bể bơi. Chúng có thể tự “vỗ béo” bằng cách ăn những vi khuẩn tồn tại trong những mắt kính áp tròng bị nhiễm bẩn. 

Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được đặt vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả từ cuộc tấn công của loại vi khuẩn này sẽ là các triệu chứng mắt ngứa rát , chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phù mí và đau mắt.

Ai cũng có thể bị amip ăn giác mạc, nhưng nguy cơ đó ở người đeo kính áp tròng cao hơn so với những người không đeo loại kính này. Nếu thấy nhóm triệu chứng gồm đau mắt, tấy đỏ, mắt nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ thì phải đến ngay cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Làm đẹp mắt nhờ kính áp tròng: Độc + Lạ + Đẹp + Rẻ = Mù mắt ảnh 2 Bảng màu "len mắt" quảng cáo trên mạng bán hàng online. Ảnh minh hoạ: Internet

Dễ hơn mua rau 

Chỉ vài vòng “lượn lờ” qua một số khu vực tập trung đông các trường Đại học, Cao đẳng hay trường cấp II, cấp III, phóng viên dễ dàng hỏi mua được các loại kính áp tròng “muôn hình muôn kiểu” với giá cả từ bình dân đến cao cấp.
Chị H, một người bán hàng tạp hoá, tạp phẩm trong đường Chùa Láng sốt sắng “em cứ yên tâm mà mua, hàng chị xách tay cũng có, vác vai cũng có, đủ màu đủ hình, thích giá nào chiều giá đó. Mấy trường học quanh khu vực này hầu hết đều là “khách quen” mua “len mắt” của nhà chị đấy”. Theo chị H, trước đây khi mới có trào lưu “đổi màu mắt” thì giá của mỗi cặp “len mắt” khá cao, trung bình từ 250.000 đồng đến cả triệu đồng/bộ tuỳ thương hiệu. Nhưng càng sau này, khi các bạn trẻ rầm rộ sử dụng thì giá ngày càng xuống. Bây giờ có những bộ “len mắt” đủ cả 12 màu hay 12 con giáp giá cũng chỉ có chưa đầy 300.000 đồng. “Thoải mái mỗi ngày ra cửa một màu mắt, vừa long lanh quyến rũ vừa đẳng cấp chất chơi mà giá lại hạt dẻ”, chị H vừa quảng cáo vừa cười rất tươi với chúng tôi.

Làm đẹp mắt nhờ kính áp tròng: Độc + Lạ + Đẹp + Rẻ = Mù mắt ảnh 3 Một màu "len mắt" được ưa thích

Không chỉ có tại các cửa hàng bán đồ tạp phẩm, “len mắt” có độ phủ sóng dày đặc trên các trang mạng, đặc biệt là các trang mua bán có sự tham gia nhiều của giới trẻ. Việc mua bán tại các trang mạng cực kỳ đơn giản và khách hàng sẽ được “ship” hàng đến tận cửa nhà. Theo quảng cáo của người bán online thì đa số là kính “xách tay” có xuất xứ từ Hàn Quốc, giá từ 200.000 – 350.000đ/cặp, đủ màu sắc, có độ và không độ. Các cửa hàng mắt kính thì có các loại xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Indonesia… giá từ 260.000 – 500.000đ/cặp. Bên cạnh đó có nhiều loại kính giá rẻ chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nhưng không hề có bất cứ thông tin nào trên bao bì. 

Càng đeo càng hại 

Theo BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương, các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng hay kính tiếp xúc, với những chỉ định chính: điều trị các tật khúc xạ như: cận - viễn - loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK...  

Làm đẹp mắt nhờ kính áp tròng: Độc + Lạ + Đẹp + Rẻ = Mù mắt ảnh 4 Các màu "len mắt". Ảnh minh hoạ: Internet

Do vậy đòi hỏi các chỉ định mang tính chuyên khoa. Mục đích thẩm mỹ hay thỏa mãn thú chơi của người sử dụng không được giới y khoa khuyến khích. Lạm dụng kính được hiểu theo hai nghĩa: không có bệnh mà vẫn dùng để thỏa mãn thú chơi; đeo kính quá lâu so với tuổi thọ của kính hay lười tháo lắp, lười vệ sinh kính. Lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt. 

Đặc biệt, việc đeo kính thêm vài ngày có thể giúp tiết kiệm được ít tiền hoặc đơn giản chỉ là vì bạn quên thay kính. Nhưng dù vì lý do gì, việc dùng kính quá lâu so với hướng dẫn có thể khiến bạn bị kích ứng, nhiễm trùng và loét giác mạc, các vết loét thường gây đau cho mắt và có thể gây ra những tổn thương thị lực lâu dài.

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.