“Làm báo” để học Ðịa lý

Học sinh bày tỏ sự thích thú, hứng khởi với cách học mới lạ này
Học sinh bày tỏ sự thích thú, hứng khởi với cách học mới lạ này
TP - Giờ học môn Ðịa lý trên lớp chẳng có sách giáo khoa, chỉ có tờ báo. Không phải báo thường nhật mua ngoài sạp mà do chính tay cô giáo và các em học sinh làm ra để học một cách sinh động, thú vị hơn.Những tiết học mới lạ ấy ở trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, Ðà Nẵng).

Một ngày đầu tháng 11, tiết học Địa lý khối lớp 10, cô Phạm Thị Ái Vân (27 tuổi) bỗng bảo các em cất hết sách giáo khoa. Cô cầm theo xấp báo đưa các em đọc. Cả lớp mắt tròn mắt dẹt, bỡ ngỡ với bài trang nhất “Thủy quyển và cuộc sống”, bên dưới là các tít bài: Một số sông lớn trên trái đất, Huyền thoại sông Nin, A-ma-dôn - sông dài nhất thế giới… Những tiếng trầm trồ “sao đẹp quá”, “nhìn thích quá”…của học sinh vang lên. Suốt buổi học, các em lật dở từng trang báo dung nạp kiến thức với một tâm lý vui vẻ, cởi mở.

“Làm báo” để học Ðịa lý ảnh 1 Cô Phạm Thị Ái Vân, giáo viên trường THPT Trần Phú (Ðà Nẵng)

Đó là tờ báo đầu tiên được cô Vân xuất bản, sau nhiều năm dạy môn Địa lý. “Học sách giáo khoa mãi rất nhàm chán, nên tôi nghĩ phải làm cách nào đó chuyển tải bài học đến các em hấp dẫn hơn. Tôi tìm đến các sạp mua báo in, lên mạng đọc thêm kiến thức về làm báo, rồi quyết định cho các em học bài qua tờ báo thay sách. Mỗi tờ sẽ là một nội dung, có thể học trong một hoặc nhiều tiết học”, cô Vân chia sẻ.

Tờ báo môn Địa lý có ma-két đẹp, nhiều màu sắc bắt mắt. Các trang bên trong lấy nội dung chính từ sách giáo khoa rồi phân chia thành từng đơn vị tin bài, trình bày bố cục lại cho dễ đọc. Ngoài kiến thức cơ bản, tờ báo còn cuốn hút các em học sinh bởi hình ảnh minh họa, biểu đồ, bảng số liệu, hình vui nhộn… “Độc giả” cũng được tương tác qua phần thảo luận những nội dung liên quan đến bài học. “Tờ báo còn có mã code để các em quét xem hình ảnh, clip minh họa. Chẳng hạn như bài học về lá rừng, thì các em chỉ cần quét mã sẽ xem được clip về lá rừng, chắc chắn không nhàm chán như nhìn hình ảnh khô khan. Tôi nghĩ ra việc này bởi hiện nay đã cho phép dùng điện thoại trên lớp, với điều kiện mình quản lý tốt là được”, cô Vân nói thêm.

Lần đầu tiên được học Địa lý bằng báo, như nhiều bạn khác, Lê Thị Diệu Hồng (lớp 10/16) không giấu được sự thích thú. Hồng chia sẻ: “Việc dung nạp kiến thức bài học qua tờ báo không gò bó và “ngán” như sách giáo khoa. Tờ báo dù truyền tải nhiều thông tin hơn nhưng vẫn rất “dễ nuốt” vì nó sinh động. Em thích nhất là phần mở rộng với các câu chuyện hấp dẫn, dễ nhớ. Em cũng mong có thêm nhiều tiết học cùng tờ báo như thế này nữa”.

Bất ngờ với sáng tạo của các “phóng viên”

Từ chỗ làm báo cho trò học, cô Vân hướng dẫn cho các em khối 12 tự làm. Mỗi lớp chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm một chủ đề, đồng nghĩa với một tờ báo. Lần đầu được làm “phóng viên”, không thể nào kể hết sự hứng khởi của các em. Ngày “ra báo”, cô Vân hết sức bất ngờ vì sự sáng tạo của trò. Nhiều nhóm chọn “cơ quan ngôn luận” phù hợp với nội dung từng tờ, chứ không chịu để chung tên báo. Như tờ báo về lao động và việc làm thì lấy tên Lao động, tờ báo về môi trường thì lấy tên Tài nguyên môi trường… Rồi cách trình bày, bố cục đẹp hơn, nội dung thảo luận phong phú hơn.

Cứ tới giờ học, các em đổi báo nhóm này cho nhóm kia để ai cũng được đọc “báo mới”, “báo bạn” cả. Thành thử có thêm nhiều cách tiếp cận thông tin trong bài học khiến các em ấn tượng nhớ lâu hơn.

Cô Vân đang đề xuất nhà trường cho đặt báo của học sinh thiết kế lên thư viện để các lớp sau có thể tìm đọc. “Trước hết là để các em thư giãn, sau là học cách “làm báo”, cách tiếp cận thông tin, biết đâu từ đó có thể gợi ra nhiều phương thức truyền tải bài học hay hơn cả những tờ báo này”, cô Vân kỳ vọng.

“Tâm lý đọc báo, nếu đọc một bài trên online và cầm tờ báo trên tay để đọc, bao giờ báo in cũng khiến người ta nhớ lâu hơn. Ðó là lý do tôi chọn làm báo in chứ không làm báo mạng. Hơn nữa, tôi muốn khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh của tôi”. Cô Phạm Thị Ái Vân, giáo viên trường THPT Trần Phú (Ðà Nẵng).

MỚI - NÓNG