Lại tăng nhanh, giảm chậm?

Lại tăng nhanh, giảm chậm?
TP - Hôm qua, giá dầu thô thế giới đã xuyên thủng đáy 50 USD xuống còn 45 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Trong nước hôm 6/1, giá xăng giảm liên tiếp lần thứ 8 xuống mức thấp kỷ lục còn 17.570 đồng/lít - giảm hơn 30% so với mức cao nhất là 25.640 đồng cách đây nửa năm.

Ấy vậy mà giá cước vận tải vẫn “lặng thinh”, hoặc giảm nhỏ giọt vài phần trăm cho có.

Theo một báo cáo của Bộ GTVT, năm 2013 tổng sản lượng vận tải hành khách toàn quốc lên tới 2.950,1 triệu lượt khách, tức mỗi ngày có hàng triệu lượt khách sử dụng dịch vụ vận tải. Trên dải đất hình chữ S với chiều dài hàng ngàn km, càng dịp áp Tết này hàng hóa thông thương càng tấp nập. Hàng triệu tấn hàng, hàng triệu lượt hành khách mỗi ngày đang phải hứng chịu một mức cước vận tải bất hợp lý. Chưa thấy cơ quan có trách nhiệm nào tính ra con số mà mỗi hành khách, mỗi cân thịt, con gà, quả trứng hay mớ rau đang phải gánh chịu mức cước oan uổng. Trước đây điệp khúc “tăng nhanh, giảm chậm” từng được gắn với giá xăng trong nước so với giá thế giới. Nay câu chuyện này có vẻ đỡ hơn với giá xăng thì lại đến lượt giá cước vận tải “tăng nhanh, giảm chậm” so với tốc độ tăng – giảm của giá xăng trong nước. Nửa đầu năm 2014 trở về trước, cứ mỗi lần xăng tăng giá là cước vận tải lập tức tăng, thế nhưng từ cuối tháng 7 đến nay đã ngót chục lần xăng giảm giá thấp kỷ lục, thử hỏi cước vận tải giảm bao nhiêu và được mấy lần?

Điều này, hiển nhiên các doanh nghiệp vận tải nắm rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước về giá, các sở tài chính, cục quản lý giá (Bộ Tài chính) chắc hẳn cũng phải nắm chắc vấn đề này. Cơ cấu giá thành xăng dầu chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm so với tổng giá thành vận chuyển, các cơ quan quản lý giá không thể nói không biết, đó phải là chuyên môn nghiệp vụ của họ. Chuyện cước vận tải “tăng nhanh, giảm chậm”, các sở tài chính địa phương hẳn cũng thấy rõ. Vậy chả lẽ không có cách nào buộc các công ty vận tải phải hạ giá cước một cách tương xứng với giá xăng dầu sao?

Nếu không làm được việc này, một lần nữa hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước lại phải hứng chịu. Lợi ích lớn của việc xăng dầu giảm giá kỷ lục, thay vì người dân và cả nền kinh tế được thụ hưởng, sẽ lại chảy vào túi một nhóm lợi ích đang chây ỳ không chịu giảm giá cước vận tải. Thời cơ cho hàng hóa Việt Nam giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cả trong nước lẫn quốc tế có nguy cơ sẽ bị bỏ lỡ, nếu tỷ trọng cước vận tải không giảm theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.