Lạc giữa rừng trầm chốn 'thâm sơn cùng cốc'

Ông Đinh Ngọc Loan bên một cây dó
Ông Đinh Ngọc Loan bên một cây dó
TP - Ở thung lũng Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi vua Hàm Nghi từng chọn làm căn cứ địa để lãnh đạo phong trào Cần Vương, có một khu rừng dó đã cho trầm, trị giá nhiều tỷ đồng. 

Khu rừng quý hiếm này là tâm huyết cả đời của lão nông, thương binh Đinh Ngọc Loan (SN 1958). Ông từng “đạp cội tìm trầm” khắp các cánh rừng Trường Sơn.

Cho con cháu mai sau

Cơn mưa rào bất chợt giữa mùa hạ khiến khu rừng dó trầm ướt sũng, không khí như cô đặc, thâm u chẳng khác gì một khu rừng nguyên sinh không dấu chân người. Khi đám mây đen kéo đi để lộ ánh mặt trời, trên những tán cây xanh mướt, cao hàng chục mét là chim rừng hót líu lo, dưới mặt đất côn trùng kêu rả rích… tạo nên bản giao hưởng tầng tầng lớp lớp tiếng rừng. Càng vào sâu, hàng vạn cây dó trầm lẫn với cây rừng tự nhiên bản địa ken đặc chắn cả lối đi. Dưới thảm thực vật ẩm ướt là nhiều loài kỳ hoa dị thảo khoe sắc, tỏa hương thơm lừng, thu hút hàng vạn ong, bướm bay rợp đất.

Dẫn chúng tôi len lỏi dưới tán rừng xanh mướt không thấy ánh mặt trời, ông Loan tự hào cho biết, khu rừng hơn 6 ha của ông, ngoài hàng vạn cây dó trầm gần 30 năm tuổi, còn có nhiều loại cây rừng bản địa quý hiếm khác như huỵnh, vàng tim… Những cây dó trầm được ông Loan đào hố gieo hạt, chăm chút hàng chục năm qua bây giờ cao hàng chục mét, đường kính trên dưới 50 cm và không ít cây bắt đầu tụ trầm.

Cách đây 15 năm, biết tin ông Loan có khu rừng dó, một đại gia ở Huế lặn lội về Hóa Sơn hỏi mua với giá hơn 3 tỷ đồng (một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ), nhưng ông Loan lắc đầu. Trong khu rừng của ông Loan còn có nhiều loài cây rừng được giới chơi cây cảnh trả giá lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi cây như bon bon, lội… Những lần như thế, ông Loan đều khéo léo trả lời người hỏi mua: “Tôi trồng rừng không phải để bán. Khu rừng là gia sản mà tôi muốn để dành cho con cháu mai sau”.

Để nuôi ước nguyện của mình, nhiều năm nay, dưới tán rừng, ông Loan trồng nhiều loại cây dược liệu như: giảo cổ lam, hà thủ ô, thổ phục linh, lá vằng, sim… Những loại cây này ít mất công chăm sóc, nhưng hằng năm cũng đưa về cho gia đình ông một nguồn thu đáng kể. Ngoài việc trồng rừng, tận dụng không gian rộng lớn, ông Loan còn chăn nuôi bò, gà và trồng nhiều loại cây ăn quả như: cam, bưởi, chanh, mít...

“Không ít du khách khi về thăm căn cứ của Cần Vương năm xưa đã ghé để chiêm ngưỡng khu rừng của ông Loan. Một hướng đi mới bằng du lịch đang nhen nhóm tại địa phương”.

Ông Cao Ngọc Điền, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn

Trả nợ rừng

Ông Loan kể, ông sinh ra ở thung lũng Hóa Sơn ngút ngàn rừng đại ngàn, tuổi thơ gắn liền chim kêu, vượn hú và lớn lên nhờ cọng rau, cây nấm hái lượm trong rừng. Những năm tháng ông cầm súng chiến đấu ở chiến trường Campuchia ác liệt, những cánh rừng nguyên sinh đã bao lần che chở ông sống sót để trở về. Hơn ai hết, ông hiểu được những giá trị to lớn của rừng.

Năm 1983, xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình, đối mặt cuộc sống khó khăn, ông Loan cũng phải đóng gùi đạp rừng đi tìm trầm hương để mưu sinh. Những chuyến đạp rừng hàng tháng trời đầy khắc nghiệt, ông chợt nhận ra rằng, công việc tìm trầm không phải dành cho một thương binh 2/4 như ông. Hình ảnh những cây rừng cổ thụ bị đốn hạ, những khoảng rừng bị xới tung đến hoang tàn để phục vụ công việc tìm trầm… cứ ám ảnh khiến ông dằn vặt, cảm thấy rất có lỗi với rừng.

Năm 1993, Nhà nước có chủ trương kêu gọi người dân khai hoang, phủ xanh đất trống đồi trọc. Không đắn đo, ông Loan nhận 6 ha đất đồi trọc, toàn cây bụi của xã Hóa Sơn để trồng rừng. Khác với những cư dân khác trong xã, ông Loan không trồng cây keo, cây tràm để mau có thu hoạch, mà trồng cây dó trầm. “Quyết định trồng cây dó trầm, ngoài giá trị kinh tế, tôi muốn giữ lại cho muôn đời sau một khu rừng dó trầm như vốn có ở ngoài tự nhiên, cũng là cách mà bản thân tôi muốn chuộc lỗi với rừng”, ông tâm sự.

Lạc giữa rừng trầm chốn 'thâm sơn cùng cốc' ảnh 1 Một góc rừng dó trầm của ông Đinh Ngọc Loan

Quyết định là vậy, nhưng thời điểm đó chưa ai ươm giống cây dó để mua về trồng. Vốn là người lớn lên từ rừng và từng sinh tử với nghề đạp cội tìm trầm, ông Loan hiểu được phần nào đặc tính sinh trưởng của cây dó. Và ông đã chọn cách cổ xưa nhất để trồng là gieo hạt dó trầm trực tiếp xuống lỗ. Trong vườn nhà ông Loan lúc đó có 2 cây dó trầm có từ thời ông bà cố của ông để lại, mỗi năm đều ra hoa kết trái. Ông đã lấy giống từ 2 cây đó để gieo hạt, trồng rừng.

Ngày này qua ngày khác, ông Loan cùng vợ hết trằn mình phát cây, đào lỗ trỉa hạt, lại oằn lưng xuống suối gánh từng thùng nước tưới vào hố cho đất ẩm ướt để hạt nảy mầm. Thế nhưng, không phải hạt dó trầm nào gieo xuống hố cũng chịu nảy mầm và không phải cây nào nảy mầm cũng chịu sống. Trúng thời tiết tốt, 10 hạt gieo xuống hố có được 7 hạt chịu nảy mầm, nhưng chỉ vài cây chịu sống. Nếu gặp trời nắng hạn có khi chẳng được cây nào.

Khó khăn là vậy, nhưng ông Loan chưa bao giờ nản lòng. Mỗi hạt dó trầm nảy mầm đâm chồi vươn lên như tiếp thêm sức mạnh để ông tiếp tục trồng rừng. Cứ thế, năm này qua năm khác, khi những cây dó khép tán thành rừng thì cũng là lúc mái tóc ông điểm bạc…

Theo ông Cao Ngọc Điền, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, trồng rừng được xác định là hướng đi xoá đói giảm nghèo của Hoá Sơn bao năm nay. Thời gian qua, người dân Hóa Sơn chủ yếu trồng các giống cây rừng kinh tế đơn thuần như keo, tràm...

“Việc ông Đinh Ngọc Loan trồng thành công khu rừng dó trầm và khoanh nuôi thành công một khu rừng gỗ quý toàn cây bản địa đã gợi mở một hướng đi, một cách nhìn mới về trồng rừng phát triển kinh tế của địa phương chúng tôi trong thời gian tới. Từ thực tế mô hình của gia đình ông Loan, có thể thấy rằng hiệu quả kinh tế của trồng rừng bản địa hiệu quả mang lại gấp vài chục lần trồng keo, tràm. Đặc biệt hơn, việc trồng rừng cây bản địa còn góp phần bảo vệ tốt môi trường và bảo tồn nhiều giống cây rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên”, ông Điền nói.

MỚI - NÓNG