Kỳ vọng “phượng hoàng đẻ trứng”

Một góc huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: HaLong.gov.vn.
Một góc huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: HaLong.gov.vn.
TP - Trong suốt quá trình phát triển, Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế. Giữa bối cảnh hội nhập sâu rộng, trong khi các nguồn lực trong nước dần suy cạn, Việt Nam thành lập 3 đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) với kỳ vọng “làm tổ cho phượng hoàng đẻ trứng”. Hình hài của những đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam ra sao?

Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hàng trăm khu công nghiệp, khu kinh tế được thành lập, bộ mặt đất nước đã có nhiều đổi thay. Là đơn vị quản lý các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Bộ KH&ĐT đánh giá, qua 25 năm phát triển, các mô hình này không còn mới; cơ chế, chính sách ưu đãi không còn hấp dẫn nhà đầu tư, chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế. Bộ máy quản lý phân tán, phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước, địa bàn và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Tập trung nguồn lực

“Dù cả nước có tới hơn 300 khu công nghiệp, khu kinh tế nhưng mô hình tương tự nhau, thu hút đa ngành nghề, thiếu điểm nhấn. Điều này vô hình trung gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; các lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) nói.

Theo GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, nhà nước không thể chia đều cho mọi nơi. Việc tạo nguồn lực cho vài vùng đặc biệt và tạo ra thể chế thông thoáng để họ bứt lên là điều nước nghèo, nước đi sau cần phải làm. Và mô hình đặc khu kinh tế nhiều nước đã làm và đạt thành công, như đặc khu Thâm Quyến (Trung Quốc).

“Xây dựng đặc khu kinh tế là tạo ra khu vực có thể chế vượt trội, luật lệ thông thoáng, thu hút nhà đầu tư tốt, làm ra sản phẩm tốt nhất để lan tỏa ra vùng xung quanh. Đây là lí do quan trọng nhất, tạo hạt nhân phát triển, hình mẫu phát triển để nền kinh tế làm theo”, ông Thiên cho biết.

Cùng quan điểm này, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đánh giá, đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng về một “đặc khu” được đưa ra thảo luận ở Việt Nam. Đầu thập niên 2000, mô hình “khu kinh tế mở” hay “khu kinh tế ven biển” đã được thảo luận và có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập. Các khu kinh tế này được kỳ vọng trở thành “phòng thí nghiệm” cho cải cách thể chế và chính sách có tính đột phá. Về mặt tăng trưởng kinh tế, mục tiêu là đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển sẽ đóng góp từ 53%-55% GDP và từ 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

“Đáng tiếc cho đến nay, cả mục tiêu về thể chế - chính sách và tăng trưởng kinh tế đều thất bại. Về mặt thể chế, việc phát triển các khu kinh tế “mở” hiện nay đã không còn thức thời vì Việt Nam đã gia nhập WTO và nền kinh tế cả nước đã mở rộng cửa ra thế giới”, ông Tự Anh nói.

Kỳ vọng “phượng hoàng đẻ trứng” ảnh 1 Ngọc trai, sản phẩm đặc biệt ở Phú Quốc thu hút du khách.

Thể chế thông thoáng để bứt phá

Bộ KH&ĐT kỳ vọng, từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp GDP địa phương hàng tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở các đặc khu này sẽ đạt 12.000 - 13.000 USD/người/năm.

Với những kỳ vọng này, đơn vị soạn thảo Luật các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt - luật quy định cho sự ra đời của các đặc khu kinh tế đưa ra nhiều ưu đãi, chính sách vượt trội nhằm thu hút đầu tư. Để môi trường kinh doanh thông thoáng, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại các đặc khu kinh tế giảm xuống còn 63 ngành, liên quan đến quốc phòng an ninh. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư con số ngành nghề này lên tới 243.

Dự thảo có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai chưa từng có trong lịch sử đầu tư của Việt Nam. Dự án (DA) đầu tư thuộc ngành, nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; trung tâm nghiên cứu và phát triển sẽ được thuê đất lên tới 99 năm (quy định hiện nay không quá 70 năm) và miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cả đời DA. DA được miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm (tính từ khi bắt đầu sản xuất); thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Để thúc đẩy du lịch, khách quốc tế được miễn thị thực và cấp thị thực điện tử với thời gian tạm trú không quá 60 ngày. Dự thảo luật đề xuất cho phép cá nhân, tổ chức giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại tệ.

Đánh giá về mô hình, chính sách dự kiến áp dụng cho 3 đặc khu kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cả ba đặc khu kinh tế nói trên phải được xây dựng thành nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập.

“Xây dựng hệ thống thể chế cho ba khu vực này phải có ý nghĩa sống còn thay vì chỉ có những ưu đãi thuần túy về thuế, phí. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống thể chế, chính sách phải tạo ra một cách ít nhất có thể các rào cản mà vẫn đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro”, ông Cung nói.

Vị chuyên gia này kiến nghị nhiều giải pháp như cần có tòa án dân sự, thương mại độc lập; các cơ quan cạnh tranh công bằng và độc lập; nhà đầu tư được phép chọn trọng tài, tòa án để giải quyết tranh chấp thương mại. Đồng tiền sử dụng ở đặc khu là tất cả các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi và tiền đồng của Việt Nam, không hạn chế tiền mặt mang vào, mang ra.

Về thuế, đặc khu kinh tế chỉ áp dụng thế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, không thuế quan cho hoạt động xuất nhập khẩu, miễn visa cho phần lớn khách đến. Về giáo dục, hệ thống nhà trường sau khi có đặc khu, cần theo cơ chế thị trường, và nội dung, cách thức, ngôn ngữ giảng dạy là tùy nhu cầu, cho nhà trường quyết định. Ủy ban hành chính đặc khu được thiết kế sao cho can thiệp hành chính ít nhất có thể.

Tuy nhiên, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, cần đặt các đặc khu trong tổng thể chung của nền kinh tế.

“Dù có tầm quan trọng thế nào, các đặc khu cũng chỉ là một bộ phận của nền kinh tế. Sớm hay muộn, các ưu đãi đối với các đặc khu và mặt bằng ưu đãi chung của quốc gia phải hội tụ với nhau. Do đó, cần thiết kế các ưu đãi sao cho một mặt vừa tạo được ưu đãi khác biệt đủ lớn để khuyến khích đầu tư trong trung hạn, mặt khác tạo được sự nhất quán trong khuôn khổ thể chế và chính sách quốc gia trong dài hạn”, TS Tự Anh khuyến nghị.

Bộ KH&ĐT kỳ vọng, từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp GDP địa phương hàng tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở đặc khu này sẽ đạt 12.000 - 13.000 USD/người/năm.

MỚI - NÓNG