Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, đợt mưa “ngàn năm có một” ở tỉnh Hà Nam đã gây nên trận lụt lịch sử. Tính đến 12 giờ trưa ngày 29/7 đã ghi nhận 99 người chết, 5 người mất tích, 13.912.800 người bị ảnh hưởng, thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ USD.
Không những thế, trận lụt này đã cuốn trôi lớp “phấn son” được dày công trang điểm của một nhóm KOL trên mạng, bộc lộ mặt trái xấu xí của mạng xã hội, gây nên sự bức xúc của dư luận.
Một KOL đang livestream ở nơi gió yên sóng lặng |
Trong những ngày vừa qua, lượng mưa lớn ở Hà Nam cùng những hình ảnh tang thương đã khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế xúc động. Nhiều người dân khắp nơi quyên góp lương thực, thực phẩm, hàng hóa và tiền ủng hộ người dân Hà Nam; nhiều người tìm đến Hà Nam để làm tình nguyện viên, giúp vận chuyển hàng cứu trợ.
Những người này thật đáng ca ngợi, nhưng không phải tất cả những người tìm đến Hà Nam thời điểm này đều để giúp đỡ, đều có tác dụng; có một số KOL đến chỉ làm thêm sự hỗn loạn, một số đến Hà Nam chỉ để tăng thêm lượng follow, để thêm nổi tiếng.
Vài ngày trước, ở Vệ Huy, Hà Nam, một nhóm mấy người nổi tiếng trên mạng đã đánh cắp một chiếc xuồng máy của đội cứu hộ, mặc áo phao ngồi trên đó livestream giả vờ là những người cứu hộ, luôn miệng nói về tình hình ở khu vực thiên tai và nói dối đang đi cứu người.
Sau khi sự việc bại lộ, những người này không những không xin lỗi mà còn gây gổ với những người cứu hộ thực sự. Phải mất 4 tiếng đồng hồ, đội cứu hộ mới lấy lại được chiếc thuyền bị lấy cắp và tức giận mắng: “Các người thì cứu được ai! Thuyền đậu ở đây thì lẻn vào lấy đi để diễn trò!”.
Một người nổi tiếng trên mạng có nick “Chị Đại bán xe” đã đăng trên weibo một đoạn video cho thấy cô ta đang lái xe trên đường. Kèm theo nhạc nền căng thẳng, trên màn hình hiện lên dòng chữ: “Nghe tin Hà Nam bị lũ lụt nên tôi kêu 28 anh em từ Quý Châu vượt 1.680 cây số đến hỗ trợ. Các bạn xem được video này hãy chúc chúng tôi lên đường thuận lợi nhé!”. Thực tế, nhân vật KOL “giầu nghĩa tình” này không những không rời khỏi nhà mình mà còn gắn một liên kết bán hàng ở trên video.
Lại còn có một số người, trong đó có “sao thời trang” giả vờ có mặt ở hiện trường để livestream. Từ một số video và ảnh chụp, có thể thấy một số KOL ngâm mình trong ao nước không biết ở đâu, đặt ống kính điện thoại chĩa vào mình, mặc quần áo tồi tàn, ướt lướt thướt, giả làm nạn nhân đáng thương trong thảm họa, thu hút sự chú ý của các cư dân mạng, vận dụng kĩ năng diễn xuất để gây “bão mạng” với các tư thế khác nhau như đứng, nằm, quỳ gối, thậm chí nhiều người mỉm cười và ra dấu chiến thắng.
Cư dân mạng Trung Quốc cáo buộc hành động này đã làm tổn thương nghiêm trọng đến tình cảm của các nạn nhân, không thể chấp nhận.
Xem những hình ảnh này, một số người tinh mắt đã để lại lời bình: “Lũ lụt mà cũng lợi dụng để câu view? Đến kiến thức thông thường cũng không biết. Nước lũ thì phải đục ngầu, cuồn cuộn và đầy rác. Đây thì nước trong xanh, gợn sóng, rõ là nước sông hồ bình thường. Muốn diễn thì cũng phải đến có nơi mưa lũ mà tẩy rửa tâm hồn và học lấy chút IQ rồi hãy diễn!”.
Ngoài ra, khi Trịnh Châu, Tân Hương và các khu vực khác ở tỉnh Hà Nam đang bị ngập lụt nghiêm trọng, nhưng một phụ nữ đã mắng chửi người dân Hà Nam và kêu gọi không cứu những “người xấu” này và đã bị cảnh sát bắt giữ. Theo điều tra, người phụ nữ 32 tuổi này người Xích Bích, Hồ Bắc, hiện đang làm việc tại huyện Thương Thành.
Vào ngày 21/7, cô ta thấy trên Internet một đoạn video ngắn về “167 lính cứu hỏa ở Vũ Hán, Hồ Bắc đang khẩn cấp đến tuyến đầu chống lũ lụt của Hà Nam”; cô ta đã chia sẻ với lời bình “Người dân Hà Nam thật tệ, cứu làm gì? Đừng cứu, đừng cố cứu họ bằng mạng người Hồ Bắc chúng ta, để họ chết đi, chết thêm vài kẻ xấu nữa, đừng chết những người tốt”.
Những người nổi tiếng trên Internet lao vào tuyến đầu của việc cứu trợ thiên tai, tác hại rất rõ ràng. Một mặt, điều này cản trở công tác cứu hộ. Mặt khác, người dân cả nước đang chú ý đến tình hình tại khu vực thiên tai.
Các thông tin, hình ảnh giả mạo, bịa đặt chắc chắn khiến mọi người rối loạn nghe nhìn, gây nhầm lẫn và chiếm dụng tài nguyên công cộng, dễ nhấn chìm những thông tin thực sự. Đó là chưa nói tới việc một số người nổi tiếng trên Internet không biết cách ứng cứu và phòng chống thiên tai nói về nó, truyền bá kiến thức sai lầm về cứu hộ và tự cứu, gây hại nghiêm trọng.
Việc thu hút lưu lượng truy cập về cơ bản là để thu hút sự chú ý, nhưng nó không được có điểm mấu chốt hoặc sự thiếu hiểu biết nhằm mục đích thúc đẩy lưu lượng truy cập.
Trong những năm gần đây, sau khi xuất hiện các điểm nóng, một số người nổi tiếng trên mạng đã chạy đến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống đương sự và xâm hại quyền riêng tư của người khác.
Nhiều cư dân mạng cũng kịch liệt chỉ trích “những hành vi xấu xí của các KOL” và đề xuất: "Đối với các trang lừa đảo, đáng đóng cửa thì cứ đóng, đáng bị trừng phạt thì phải trừng phạt”.