Kiểm tra miệng kiểu 'gọi bất chợt, hỏi bất chợt': Không phải để hù ‘dọa’ học sinh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng, việc kiểm tra miệng kiểu “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” vừa hợp lý vừa bất hợp lý.

Việc kiểm tra đầu giờ như hiện tại đúng là tạo ra tâm lý căng thẳng vì nhiều giáo viên đã biến việc kiểm tra đó thành "mục đích" của giáo dục.

Cấm hay không cấm: Không phải bản chất của vấn đề

Theo Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, chuyện cấm kiểm tra đầu giờ hay không cấm không phải bản chất vấn đề. Bản chất vấn đề là kiểm tra đánh giá phải hướng về mục tiêu giáo dục và giúp người học phát triển để đạt mục tiêu đó.

“Vì vậy đánh giá không phải là để "dọa" cho học sinh sợ học bài hay lấy đủ số điểm quy định”- ông Vương nêu quan điểm

Kiểm tra miệng kiểu 'gọi bất chợt, hỏi bất chợt': Không phải để hù ‘dọa’ học sinh ảnh 1

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương

Theo ông Vương, kiểm tra là để tìm kiếm kết quả tham khảo cho biết học sinh đã hướng đến mục tiêu giáo dục như thế nào từ đó giúp cả người dạy và người học tìm ra giải pháp cải tiến.

Do vậy, ông Vương cho rằng, trong giáo dục hiện đại người ta coi trọng đánh giá quá trình thay vì đánh giá một lần bằng bài thi, bài kiểm tra. Giáo viên có thể đánh giá học sinh qua câu hỏi, bài tập, phát biểu ý kiến, sản phẩm học sinh tạo ra, thái độ khi học...

“Tức là đánh giá liên tục, toàn diện, cả quá trình chứ không phải là kiểm tra sao cho thật bất ngờ để làm cho học sinh lo sợ, đối phó, học để phục vụ thi, kiểm tra. Khi giáo viên đã kiểm tra xong là chấm dứt học”- ông Vương cho hay.

Cũng theo ông Vương, trong câu chuyện trên, từ sự kiện "cấm hay không cấm" kiểm tra đầu giờ, gv cần tái nhận thức lại vai trò của kiểm tra đánh giá trong tham chiếu với mục tiêu giáo dục để hướng về sự phát triển của người học.

Không cần cấm mà cần làm cho giáo viên giúp học sinh tiến bộ

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng, việc kiểm tra miệng đầu giờ vừa hợp lý vừa bất hợp lý.

Ông Vương cho rằng, việc kiểm tra đầu giờ như hiện tại đúng là tạo ra tâm lý căng thẳng vì giáo viên đã biến việc kiểm tra đó thành "mục đích" của giáo dục. Học sinh học để đối phó. Nhưng việc cấm nó thì lại khiến cho cả giáo viên và học sinh không hiểu được vai trò của kiểm tra-đánh giá.

Theo nhà nghiên cứu này, đây là biện pháp hành chính thô bạo còn học sinh thấy đây là cơ hội để thoát khỏi việc đối phó khiến các em tạm thời yên tâm. Đúng ra không cần cấm mà cần làm cho giáo viên hiểu kiểm tra không phải là để làm học sinh sợ mà là giúp học sinh tiến bộ.

Vì thế, theo ông Vương, giáo viên vẫn có thể kiểm tra đầu giờ nhưng không chỉ dựa vào mỗi nó và tiến hành nó như một biện pháp kiểm soát thao túng tâm lý học sinh

Ông Vương chỉ ra thực tế ở Việt Nam, người ta nói nhiều về thay đổi đánh giá nhưng trong quản lý lại áp chỉ tiêu thi đua cho các trường vì vậy kết quả giáo dục được nhìn ở điểm số và tỉ lệ % xếp loại học sinh

Việc xét tuyển sinh cũng lại căn cứ vào kết quả của học bạ nên nó mâu thuẫn lẫn nhau tạo ra các vấn đề ở hiện trường giáo dục, không giải quyết được

“Chúng ta sai trong việc chỉ nói và hô hào mà không có chiến lược- tầm nhìn tổng thể và quan tâm cải thiện môi trường giáo dục, quản lý giáo dục phù hợp và thống nhất với triết lý hướng tới sự phát triển người học”- ông Vương nêu quan điểm.

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, hoạt động kiểm tra miệng, trả bài ngẫu nhiên vào đầu giờ học khiến học sinh căng thẳng, lo lắng. Thế nên, Sở này đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài đầu giờ. Đề nghị này được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn học sinh, cha mẹ học sinh với nhiều ý kiến trái chiều.

MỚI - NÓNG