Kiểm tra miệng kiểu 'gọi bất chợt, hỏi bất chợt' có còn phù hợp?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều giáo viên, nhà nghiên cứu giáo dục cho biết kiểm tra miệng theo hình thức vấn đáp "gọi bất chợt, hỏi bất chợt là việc đương nhiên phải làm của “người đi học”! Vấn đề là cách kiểm tra của thầy như thế nào - như toàn bộ hoạt động dạy học, kiểm tra kiến thức cũ cũng là một nghệ thuật.

Đừng nên đưa ra lệnh cấm vì sẽ gây khó cho giáo viên?

Nhà nghiên cứu giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương cho rằng, thực ra, trong giáo dục học, có rất nhiều hình thức kiểm tra đánh giá.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mọi người hay đóng khung ở 1 số hình thức quen thuộc. Nguyên do chính là ở cách quản lý giáo viên của Việt Nam là theo lối áp đặt, tất cả đóng khung giống nhau. Thế nên tất cả mọi hoạt động đều giống nhau đến từng chi tiết.

Bà Hương cho rằng, người bên ngoài rất khó đánh giá được những công việc trong ngành. Mỗi hoạt động đều có giá trị và có các ưu nhược điểm khác nhau.

“Theo tôi, chúng ta không nên can thiệp vào công việc của giáo viên đặc biệt là đưa ra các lệnh “cấm” hay phải trong giáo dục, nhà trường. Bởi vì khi họ bị co hẹp các hoạt động, có thể họ sẽ nghĩ ra các hoạt động khác tệ hơn, gây hại cho học sinh hơn nữa. Chạy theo cấm vì lý do này kia không giúp học sinh bất kể điều gì mà còn gây khó cho các giáo viên trong quá trình làm nghề”-

Bởi theo bà Hương, khi giáo dục tạo ra các sản phẩm kém chất lượng hoặc gây hại cho học sinh do lệnh cấm mới mẻ này, chính lệnh cấm sẽ mang tội với các trẻ.

Kiểm tra miệng kiểu 'gọi bất chợt, hỏi bất chợt' có còn phù hợp? ảnh 1

TS văn học Trịnh Thu Tuyết

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, nghĩa của từ “học sinh” là người đi học/ Là người đi học thì các em cần xác định nhiệm vụ trung tâm khi tới trường là học! Các lớp mẫu giáo và những lớp đầu cấp tiểu học có thể thực hiện quan niệm “học mà chơi/ chơi mà học”; nhưng tới THCS, nhất là THPT - sự trưởng thành của các em, khối lượng kiến thức và kĩ năng của chương trình đòi hỏi tính nghiêm túc dần của các giờ học.

Theo đó, bà Tuyến cho rằng, học sinh cần coi việc chuẩn bị bài mới, khám phá tri thức và hình thành năng lực, phẩm chất trong các giờ học cũng như việc chuẩn bị tốt nhất cho các hình thức kiểm tra bài cũ của giáo viên là những việc đương nhiên phải làm của “người đi học”.

Theo bà Tuyết, vấn đề là cách kiểm tra của thầy như thế nào - như toàn bộ hoạt động dạy học, kiểm tra kiến thức cũ cũng là một nghệ thuật. Và khi đã đạt tới nghệ thuật, việc kiểm tra bất luận đầu giờ hay giữa hay cuối giờ, đều sẽ không ảnh hưởng tới tâm lí học trò mà ngược lại.

Ví dụ một câu hỏi đầu giờ để tạo liên kết giữa nền kiến thức cũ với bài mới có giá trị như một sự khơi gợi cảm hứng, đưa học sinh vào tâm thế đón nhận kiến thức mới; những câu hỏi rải rác trong giờ giúp các em luôn có sự kết nối giữa cái đã biết và cái sắp được biết, vừa đong đếm được kiến thức cũ, vừa tạo những thao tác liên tưởng so sánh khi sắp tới với kiến thức mới.

“Còn những đề xuất hát hay trò chơi cho học trò náo nức khi tới trường, theo tôi, phải cân nhắc cho phù hợp cấp học/ môn học/ bài học”- bà Tuyết nêu quan điểm.

Kiểm tra miệng kiểu 'gọi bất chợt, hỏi bất chợt' có còn phù hợp? ảnh 2

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền

Lối giáo dục áp đặt kiến thức không còn phù hợp

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền nêu quan điểm, nếu chúng ta lấy phương hướng giáo dục dựa trên năng lực là nền tảng cốt lõi cho công cuộc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục hiện nay thì phương pháp kiểm tra hay đánh giá người học buộc phải thay đổi. Có như vậy mới hiện thực hóa được các mục tiêu đầu ra như mong đợi.

Ông Hiền cho rằng, lối giáo dục áp đặt kiến thức sẽ đi ngược lại các mục tiêu mà phương hướng giáo dục mới hướng tới. Thậm chí nó còn làm cho người học chán ghét việc học vì với lối dạy chỉ chú trọng ghi nhớ và học thuộc kiến thức chứ không thúc đẩy tư duy sáng tạo, tạo ra hứng thú tìm kiếm tri thức mới, phát huy các năng lực của người học.

“Việc kiểm tra bài cũ nó cho thấy lối tư duy và phương pháp giảng dạy của giáo viên hiện nay chưa thay đổi kịp so với yêu cầu đòi hỏi của phương hướng giáo dục mới. Dường như nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dạy và chính nó sẽ cản trở cho công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay”- ông Hiền nói.

Ông Hiền cho rằng, trường học hạnh phúc là mô hình giáo dục lấy niềm vui của con trẻ là cứu cánh cho một nền giáo dục nặng lối giáo điều, áp đặt kiến thức và áp lực của căn bệnh thành tích.

Theo ông Hiền, học sinh không thể hạnh phúc trong một môi trường giáo dục đầy áp lực, lo lắng và sợ hãi như vậy. Hãy xem những quốc gia phát triển với lối giáo dục không xem trọng kiểm tra học thuộc, không đánh đố người học nền giáo dục của họ có khiến bọn trẻ thất bại trong trường đời không ?

“Một môi trường giáo dục nơi mà chúng ta vẫn còn lo học sinh quên đi kiến thức đã học, còn lo chúng sẽ bị điểm kém trong các bài kiểm thay vì xem chúng đã được trang bị cho những kỹ năng sinh tồn nào, xem chúng đã được tự do cho việc theo đuổi những đam mê và phát huy được những năng lực gì của bản thân thì môi trường giáo dục đó không thể là bệ phóng cho những đứa trẻ để bay cao với những ước mơ của mình”- ông Hiền nêu quan điểm.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng, hoạt động kiểm tra miệng, trả bài ngẫu nhiên vào đầu giờ học khiến học sinh căng thẳng, lo lắng. Thế nên, Sở này đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài đầu giờ. Đề nghị này được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn học sinh, cha mẹ học sinh với nhiều ý kiến trái chiều.

MỚI - NÓNG