Trả lời về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết hiện nay học sinh chỉ còn 4 bài kiểm tra đánh giá định kỳ. Bài kiểm tra có thể thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính, cũng có thể qua bài thực hành hoặc dự án học tập để các thầy cô, nhà trường lựa chọn một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Bộ GD&ĐT đã giao quyền cho các nhà trường quyết định hình thức kiểm tra đánh giá trong trường hợp bất khả kháng không thể đến trường. Hiệu trưởng các trường quyết định cách thức thực hiện để đảm bảo công bằng, minh bạch rõ ràng, đặc biệt đánh giá đúng năng lực học sinh. Bài kiểm tra đánh giá định kỳ, kết quả đánh giá định kỳ phù hợp với kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Đặc biệt, với lớp 1, 2, 6 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, định hướng phát triển năng lực của học sinh. Trong thông tư 22 quy định rõ, đánh giá sự phát triển về kết quả rèn luyện, học tập của học sinh. Như vậy, đề kiểm tra phải đáp ứng được yêu cầu trên.
“Thậm chí bài kiểm tra mở, học sinh không nắm chắc kiến thức, mở vở vẫn không đạt điểm cao. Chưa kể loại bài kiểm tra vấn đáp, thực hành… khi học trực tiếp đều rất tốt”, ông Thành lưu ý.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thông tin nếu kiểm tra định kỳ có những trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Việc kiểm tra đánh giá được thực hiện theo quy định chung, công khai, minh bạch, tuân thủ theo quy định, tháo gỡ những khó khăn, bất thường xảy ra trong quá trình học.
"Bộ GD&ĐT không thể nào đưa ra quy định chung áp dụng cho hàng triệu giáo viên, học sinh. Chúng tôi rất đồng tình, chia sẻ và mong nhà trường thực hiện tốt việc dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến" - ông Thành kỳ vọng.