Không thể 'độc chiếm' sông Hồng

Không thể 'độc chiếm' sông Hồng
TP - Theo các chuyên gia, chủ đầu tư nói sẽ bỏ 1,1 tỷ USD làm dự án cải tạo sông Hồng kết nối Trung Quốc, nhưng đổi lại nhà đầu tư có quyền sở hữu, khai thác dòng sông vô thời hạn. Đây là điều vô lý khó chấp nhận. Do đó dứt khoát cần một Hội đồng thẩm định độc lập trước khi quyết định đầu tư hay không.

Hết sức thận trọng

Ngày 6/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Cục trưởng Đường thủy Nội địa (Bộ GTVT) Trần Đức Hải cho biết, dù Bộ GTVT đã có một vài cuộc họp bàn về dự án cải tạo sông Hồng do Cty TNHH Xuân Thiện đề xuất. Tuy nhiên, đây mới là ý tưởng, chưa có gì cụ thể nên chưa thể nói gì nhiều.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Cty Xuân Thiện đề xuất Dự án giao thông thủy xuyên Á, kết hợp thủy điện trên sông Hồng theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) là “không ổn”. Theo đó, dự án này bỏ tiền đầu tư, sau đó được kinh doanh và sở hữu cả dòng sông vô thời hạn, không chuyển giao lại cho nhà nước. “Một con sông lớn, tác động tới hàng chục triệu người, không thể có chuyện nhà nước lại giao cho một công ty để vận hành và khai thác mãi. Vậy lợi ích đất nước ở đâu?”, ông Doanh nói.

“Một con sông lớn, tác động tới hàng chục triệu người, nhà nước lại giao cho 1 công ty để vận hành và khai thác mãi, vậy lợi ích đất nước sẽ ra sao?”.

TS Lê Đăng Doanh

Về năng lực tài chính của nhà đầu tư, theo ông Doanh, nếu dự án được duyệt nhà đầu tư phải đi vay tới 70% số vốn từ ngân hàng, lãi suất từ 4-9%/năm. “Nếu lãi suất 4%/năm thì 20 năm đã là vấn đề, còn 9%/năm thì 20 là đại vấn đề. Họ tính thu lại bằng thu phí và bán điện, nhưng giá bán điện dự tính cao hơn nhiều giá điện hiện nay. Do đó, phương án tài chính ra sao cũng là câu hỏi lớn”, ông Doanh nói. Do đó, ông Doanh đề xuất phải có hội đồng thẩm định độc lập về dự án này, thậm chí mời chuyên gia quốc tế tham gia, không nên xem nhẹ. Ông Doanh dẫn những vụ việc như Cty Vedan xả thải, cùng nhiều dự án khác và xem đó như hậu quả của việc dễ dãi trong xét duyệt những dự án lớn, gánh hậu quả khi việc đã rồi. “Đây là dự án lớn, tác động nhiều nên phải hết sức thận trọng”, ông Doanh nói.

Phải tính phát triển bền vững

TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, dự án cải tạo sông Hồng cần lưu ý tới việc phát triển bền vững, để con cháu còn được thụ hưởng.

Ông Chủng kể, khi Australia hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu xây dựng cầu Mỹ Thuận, chỉ 2 trụ cầu cắm vào lòng sông, nhưng họ phải bỏ ra hơn 4 triệu USD (hơn 90 tỷ đồng) để nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường. Theo ông Chủng, nước ta đang phải trả giá nhiều cho phát triển không đi liền với môi trường. Do đó, mọi công trình tác động vào tự nhiên cần tính toán, nghiên cứu cẩn trọng, không phát triển bằng mọi giá.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, dự án kết nối sông Hồng với hệ thống đường thủy của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)  cần phải xem xét. Khi đường thủy thuận lợi chạy thẳng vào nội địa Việt Nam, việc kiểm soát hàng hóa nhập lậu thế nào cũng rất đáng lo ngại.

MỚI - NÓNG