'Dự án tỷ đô dọc Sông Hồng, nghe lãng mạn như thơ'

Một góc Sông Hồng. Ảnh: Dân Trí.
Một góc Sông Hồng. Ảnh: Dân Trí.
"Dự án của Cty TNHH Xuân Thiện, người được lợi chính là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, một tỉnh lớn miền núi của nước láng giềng rất khó khăn về đường ra biển".

LTSTâm điểm dư luận hiện đang tập trung vào Dự án thủy lộ và thủy điện dọc Sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành). Theo đó, họ sẽ triển khai làm nhiều phần trong đó có 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên dòng sông này.

Dưới đây là ý kiến của GS. Đặng Hùng Võ xung quanh câu chuyện này.

Khách quan xem xét, có thể nói đề xuất dự án của Cty TNHH Xuân Thiện là một đề xuất rất tham vọng, có nhiều ý tưởng cần xem xét, cũng như nhiều khía cạnh cần thảo luận.

Trước hết, đây mới chỉ là một đề xuất về ý tưởng, có tính độc đáo nhưng chưa gắn được với thực tế về tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân văn, v.v. đang tồn tại trên mặt đất. Đọc về đề xuất này, tôi cũng chỉ coi như đọc một bài thơ lãng mạn thôi.

Trước hết, cần xem xem ai được lợi chính từ dự án này. Người được lợi chính là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, một tỉnh lớn miền núi của nước láng giềng rất khó khăn về đường ra biển. Lợi dụng được sông Hồng với khả năng vận tải thủy cao là một giải pháp kết nối rất hữu hiệu cho Vân Nam ra Biển Đông.

Về lợi ích kinh tế đối với nước ta, thực sự chưa ở mức cấp bách về kết nối giao thông giữa Lào Cai và Hà Nội, cũng như Hải Phòng vì hệ thống đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vừa mới vận hành và bắt đầu thu phí. Vận hành đường thủy nữa liệu có ảnh hưởng tới khả năng hoàn vốn cho đầu tư kết nối đường bộ hay không là việc cần xem xét kỹ. Nguồn thu từ thủy điện được đề xuất với 6 nhà máy thủy điện nhỏ, tương ứng với 6 đập có công suất khoảng 228 MW, có thể cung cấp khoảng 1 tỉ kWh mỗi năm. Nghe như vậy, có vẻ như hấp dẫn nhưng làm thủy điện trên sông Hồng với chế độ nước như hiện nay cũng không hề đơn giản.

Thứ hai, cần trả lời cho câu hỏi ai bị thiệt trong dự án kiểu này. Trên sông Đà, chúng ta đã có 3 bậc thủy điện nhưng cũng đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư. Vấn đề tái định cư cho nhiều cộng đồng dân cư, trong đó có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trong hoàn cảnh đất đai ngày càng khan hiếm là một vấn đề lớn, giải quyết nhiều năm vẫn chưa tạo được ổn định cho dân mất đất. Nay sông Hồng với 6 bậc thủy điện thì số lượng cộng đồng dân cư mất đất sẽ là con số khá lớn, cả miền ngược, miền xuôi, nông thôn, đô thị và cả Thủ đô nữa. Câu chuyện tái định cư cho các cộng đồng dân cư mất đất không hề đơn giản.

Điểm thứ ba cần nói tới là vấn đề môi trường gắn với quản lý tổng hợp lưu vực sông Hồng. Lưu vực sông Hồng gần như bao phủ toàn miền Bắc nước ta, trong đó vùng chịu tác động trực tiếp là Đồng bằng sông Hồng với mật độ dân cư khá cao. Thay đổi sông Hồng sẽ làm thay đổi toàn bộ lưu vực sông, trong đó tạo nên những thay đổi trực tiếp đối với đồng bằng sông Hồng. Đây là điều cần quan tâm nhất về chiều sâu trong đánh giá tác động môi trường của một lưu vực sông Hồng khi tác động theo kiểu "toàn diện" vào con sông.

Điểm thứ tư là yếu tố tự nhiên gắn với sông Hồng. Về mặt địa chất, sông Hồng là một đứt gẫy quan trọng mang tầm khu vực, tạo nên ranh giới giữa vùng núi Tây Bắc và vùng Đông Bắc nước ta. Tác động của con người vào tự nhiên cũng khó có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta cần những nghiên cứu địa chất thật cẩn thận và kỹ lưỡng để tránh đi những tác động rất xấu của chuyển dịch lục địa có thể xảy ra do tác động kích thích vô ý của con người.

Điểm cuối cùng là phong thủy. Theo những sách phong thủy xưa để lại về phong thủy Việt Nam, sông Hồng và dãy núi chạy song song là một cặp "long mạch sơn - thủy" mang tầm khu vực chạy từ cao nguyên Tây Tạng sang Việt Nam và kết thúc (hình thức) tại đầu mỏm của sông Đà, từ đó chia thành 3 nhánh kết tại Ba Vì, Thanh Trì và Tam Điệp. Thế phong thủy này là cơ sở để Việt Nam luôn bền vững qua rất nhiều cuộc binh đao. Chúng ta hãy lưu ý là kéo dài sông Hồng thêm nữa thì đây chính là đường nối giữa đỉnh cao nhất thế giới (Everest) và vũng biển sâu nhất thế giới (Mariana). Tác động làm mất đi một thế phong thủy ở tầm quốc gia lại càng phải rất thận trọng.

Vì thế, tôi cho rằng đây là một dự án có lợi nhất cho tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, mở được đường kết nối thuận lợi ra biển, giá thành vận tải rất hạ và sẽ có tác động tăng trưởng kinh tế cho Vân Nam. Còn đối với Việt Nam, tôi chưa nhìn thấy tác động làm tăng trưởng kinh tế nhiều lắm nhưng lại phải đứng trước những vấn đề lớn về bền vững xã hội và môi trường, mà người dân thuộc lưu vực sông Hồng chắc chắn phải gánh chịu.

Cứ cho rằng đề xuất dự án là khả thi, sông Hồng được cải tạo, giao thông thuận lợi với giá thành hạ và hàng năm cũng được khoảng 1 tỉ kWh vào lưới điện quốc gia. Những hiệu quả kinh tế này liệu có thể bù lại được những mất mát về sự đảo lộn thu nhập, sinh kế của hầu hết các cộng đồng dân cư sinh sống ven sông và sinh sống tại đồng bằng sông Hồng, trong đó hầu hết là những nhóm người dễ bị tổn thương.

Hơn nữa, chế độ nước mặt của sông Hồng thay đổi, phù sa bị chặn lại liệu có gây nên những tổn thương đáng kể cho đồng bằng sông Hồng hay không là điều cần tìm câu trả lời đích xác. Hơn nữa, thủy điện hiện nay cũng không phải phương thức sản xuất điện mà thế giới khuyến khích, cái lợi là không phát thải trực tiếp khí nhà kính, nhưng cái hại là làm đảo lộn hầu hết các yếu tố tự nhiên và xã hội của nhiều vùng rộng lớn, làm người dân phải gánh chịu.

Mặt khác, thủy điện vẫn gián tiếp phát thải khí nhà kính thông qua quá trình phân hủy thực vật ngâm trong nước và mất rừng trên phạm vi rộng.

Một dự án tác động vào đoạn sông Hồng của Hà Nội gọi là xây dựng thành phố sông Hồng cũng đã được POSCO của Hàn Quốc đề xuất vài năm trước đây. Thảo luận trên công luận rất nhiều nhưng cũng đang xếp lại một chỗ. Nay dự án tác động vào toàn bộ sông Hồng do Cty TNHH Xuân Thiện đề xuất còn lớn lao hơn nhiều lần, chắc chắn chưa có dự án nào lớn lao và táo bạo đến thế.

Còn về quan điểm riêng của tôi, tôi vẫn chỉ coi như đang đọc một bài thơ rất lãng mạn được viết ở Thiên Thai.

Theo Theo Tuần Việt Nam/Vietnamnet
MỚI - NÓNG