Đổ thêm dầu vào lửa
Khoản 4, Điều 25 Dự thảo Luật Dân số quy định “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.
Tiến sỹ Dương Thị Loan - Phụ trách bộ môn Tâm lý, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc xây dựng dự luật dành riêng một khoản để nói đến việc hỗ trợ tài chính cho những hộ gia đình sinh con một bề là gái, vô hình trung sẽ làm tình hình xấu hơn, thậm chí nhiều gia đình sinh toàn gái có thể hứng chịu đàm tiếu của thiên hạ.
“Tôi còn nhớ những lần về quê, nhiều gia đình vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mỗi lần có tiệc tùng, lễ hội hay giỗ chạp, các ông chồng trong gia đình chỉ có con gái thường đùn đẩy để vợ mình làm đại diện. Họ cảm thấy tổn thương, khi chứng kiến những nụ cười, hay ánh nhìn không mấy thiện cảm của những người có con trai trong dòng họ” - tiến sỹ Loan nói.
Theo bà Loan, dù xã hội đang phát triển, mọi suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu đã giảm thiểu đáng kể. Song, nhìn vào thực tế cán cân giới tính (nam nhiều hơn nữ) như hiện nay, rồi nhìn vào tình trạng nạo hút thai vẫn còn rất cao, cho thấy tư tưởng mong muốn có con trai nối dõi tông đường vẫn còn “bám rễ” ở nhiều gia đình, dòng tộc. Chính vì vậy, dự Luật Dân số lại đưa chuyện thưởng tiền cho những hộ gia đình sinh con một bề là gái, có khác gì chuyện đổ thêm dầu vào lửa, khác gì tiếp tục ghi nhận, hợp thức hóa tư tưởng cổ hủ trên.
Bổ sung ý kiến trên, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) dẫn chứng: “Thực tế công tác mấy chục năm qua, tôi đã thấy nhiều vụ ở các miền quê liên quan đến chuyện tư tưởng trọng nam khinh nữ. Chỉ vì vợ “không biết đẻ”, có ông chồng sinh ra chứng nghiện rượu, hay gây gổ, đánh đập vợ con. Trong lần ăn cưới cùng đám bạn hàng xóm, rượu vào, nhóm bạn vốn có con trai lại mang chuyện con trai - con gái ra để đàm tiếu. Trong cơn bực tức, người chồng vớ chai rượu đập thẳng vào đầu người cùng mâm, gây trọng án”.
Theo luật sư Nga: “Nếu chúng ta làm truyền thông, rồi vận động tốt, suy nghĩ cổ hủ trên sẽ giảm thiểu. Còn nếu chúng ta lại dùng tiền để thưởng cho những gia đình sinh con một bề là gái, tôi đặt giả thiết như vụ án nói trên, việc mang tiền đến gia đình họ, khác gì sỉ nhục, rồi lại làm nảy sinh các suy nghĩ, hành động tiêu cực” – luật sư Nga phân tích.
“Tư duy làm luật cổ hủ, mâu thuẫn với nhiều chủ trương”
Dưới góc độ xây dựng pháp luật, luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, quy định trên thể hiện tư duy cổ hủ của một số người làm luật, mâu thuẫn với nhiều chủ trương tiến bộ. Luật sư Đăng mang Luật Bình đẳng giới (được coi là văn bản gần với chủ trương này nhất) để so sánh. Theo đó, tại các Điều 6, 7 của văn bản này quy định rất cụ thể về các nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, khẳng định, nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 7 Luật Bình đẳng giới còn nêu rõ: “Áp dụng các biện pháp thích hợp để xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở mục tiêu bình đẳng giới”.
Như vậy, theo phân tích của luật sư Đăng, trong khi chúng ta đang cố gắng tìm mọi cách để xóa đi cái tư duy lạc hậu, phong kiến, nhưng rồi chính chúng ta lại xây dựng luật, lại quy định chính sách ưu tiên những gia đình sinh con một bề là gái, có khác nào nhắc lại câu chuyện trọng nam khinh nữ. “Đó là một cách động viên, khuyến khích rất không đúng nơi, đúng chỗ” – ông Đăng nhấn mạnh.
Ở góc độ tài chính, luật sư Nguyễn Tiến Trung (Giám đốc Cty luật Trung Nguyễn, Hà Nội) cho rằng, việc ủng hộ các gia đình sinh con một bề là nữ, thật ra là một việc tốt. Tuy nhiên, việc dùng lượng lớn ngân sách vào một chủ trương chưa thật sự đảm bảo tính khả thi là rất mạo hiểm.
Phân tích thêm về các giải pháp, ông Trung đề nghị nên xoáy vào công tác tuyên truyền, vào lối nghĩ, vào nhận thức của mỗi người dân về bình quyền, bình đẳng giới. “Các nhà làm luật nên nhìn vào câu chuyện lâu dài, đó là hệ tư tưởng, chứ không phải làm luật bằng các biểu hiện lâm thời, rồi đưa ra giải pháp mang tính cấp bách. Như vậy, tuổi thọ của các đạo luật sẽ ngày một ngắn lại. Và rồi, chính ngân sách nhà nước lại phải gánh thêm một khoản tiền lớn để sửa luật, làm lại luật” – luật sư Trung nêu ý kiến.
Sẽ thoải mái sinh con theo ý muốn?
Cũng tại dự Luật Dân số, trong khoản 1, Điều 12 quy định, các cặp vợ chồng có quyền tự quyết về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đây là một thông tin được dư luận hết sức quan tâm và đang được Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Theo ghi nhận của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đã có khá nhiều ý kiến đồng tình với quy định giao quyền sinh số con cho các cặp vợ chồng. Thực tế cho thấy, các cặp vợ chồng hiện nay đã tự đưa ra các quyết định sinh con một cách có trách nhiệm.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Tân - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, về phía cơ quan chuyên môn, Tổng cục Dân số không khuyến khích, vận động các gia đình sinh đông con, nhưng cũng không khuyến khích các gia đình chỉ sinh 1 con hoặc không sinh con. Bởi, ngay tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và Gia đình, sinh con và đảm bảo các chính sách về dân số là nghĩa vụ của các cặp vợ chồng.
Đồng tình với phương án “cho thoải mái sinh số con”, nhiều chuyên gia khẳng định, một mặt chúng ta vẫn nên áp dụng chính sách cho sinh con theo ý muốn, mặt khác, cần áp dụng song song các biện pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả. Qua đó, đất nước vừa tránh được tình trạng bùng nổ dân số, lại đảm bảo được chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Đã có địa phương thực hiện chính sách ưu tiên nữ
Ghi nhận của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, dù mới chỉ ở dự thảo luật, nhưng trên cả nước, đã có một số tỉnh, thành triển khai chính sách ưu tiên các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái. Đơn cử như ở Thái Bình, đã có địa phương áp dụng theo kiểu vinh danh, động viên các gia đình chỉ sinh hai con gái và trao tặng quạt cây (trị giá khoảng 1 triệu đồng).
“Tương tự như điều chỉnh thuế suất ổn định giá dầu”
Trong lần trả lời phỏng vấn báo giới, ông Dương Quốc Trọng - nguyên Tổng cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, chính sách thưởng tiền cho những gia đình sinh con một bề là gái “tương tự như việc điều chỉnh thuế suất để ổn định giá dầu”, là giải pháp tình thế để cân bằng giới tính. Theo ông Trọng, những năm gần đây, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh có ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước (nam nhiều hơn nữ).
Theo đó, phía Bộ Y tế cần đưa ra các giải pháp mang tính quyết liệt nhằm sớm đưa cán cân giới tính trở lại với tự nhiên. Theo ông Trọng, nhiều hộ gia đình, nhất là các miền quê, tâm lý dựa dẫm vào con khi tuổi già vẫn còn phổ biến, trong đó, hàm ý là dựa vào những người con trai. Chính vì thế, việc có chính sách khuyến khích, thưởng tiền những gia đình sinh con một bề là nữ sẽ góp phần giải quyết thực trạng này.