Không để riêng nhà đầu tư hưởng lợi

Không để riêng nhà đầu tư hưởng lợi
TP - “Cần công khai, minh bạch quá trình thu hồi đất, có cơ chế phân phối chênh lệch địa tô hợp lý, không để riêng nhà đầu tư hưởng lợi”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, TS Đinh Xuân Thảo nói với Tiền Phong:

> Không để người dân bị thu hồi đất thiệt thòi
> Mơ hồ như... định giá đất

Minh bạch hơn

Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2003 sửa đổi. Vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong quá trình thu hồi đất được quy định thế nào, thưa ông?

Sở hữu đất đai trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thống nhất, chỉ còn lại vấn đề về thu hồi đất chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến góp ý. Lúc đầu, dự thảo chỉ quy định 3 trường hợp: Thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, sau đó bổ sung phát triển kinh tế-xã hội.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhấn mạnh “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Cưỡng chế thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng khu tái định cư tại xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Cưỡng chế thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng khu tái định cư tại xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Vấn đề thu hồi đất được cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có gì mới?

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định 10 trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Như vậy, thu hồi đất theo cơ chế hành chính phải đúng quy định, nếu không thuộc những trường hợp đó phải tuân thủ theo quy định chung về nguyên tắc thị trường. Trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo quy định từng trường hợp cụ thể để tránh thu hồi tràn lan, gồm các dự án có tầm quan trọng đặc biệt do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; những dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư...

Mọi trường hợp thu hồi đất đều phải đúng luật định, không để văn bản dưới luật điều chỉnh. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn trong những trường hợp đó có thể vẫn còn kẽ hở, như quy mô dự án như thế nào là lớn? Hay trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh tế do HĐND các địa phương quyết định - đây là chỗ dễ bị lợi dụng, có thể mang tính chất lợi ích cục bộ địa phương, hoặc có thể người ta sẽ tạo ra các điều kiện cho hợp pháp.

Ông Đinh Xuân Thảo
Ông Đinh Xuân Thảo.

Phân phối chênh lệch địa tô

Với quy định tại dự thảo luật như hiện nay, làm sao để giá đất sát giá thị trường, bảo đảm lợi ích người dân?

 Hiện nay, tham nhũng đất đai lớn nhất từ khâu quy hoạch. Khi quy hoạch thành khu đô thị, khu kinh tế, giá lên rất cao, nhiều người được lợi trong khi người dân lại rất thiệt. Phải có cơ chế phân phối chênh lệch đó, làm rõ giá ban đầu anh thu hồi là bao nhiêu, sau đầu tư là bao nhiêu. Phần chênh lệch đó phải tính toán lại, phải phân phối hợp lý, không để riêng nhà đầu tư hưởng lợi

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp
Đinh Xuân Thảo

Đây là vấn đề không đơn giản. Theo quy định, khung giá đất sẽ thay đổi 5 năm/lần; giao địa phương chủ động xác định bảng giá đất trên cơ sở khung giá đất do Chính phủ quy định. Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan định giá đất độc lập, tư vấn cho chính quyền, nhưng chúng ta chưa có kinh nghiệm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng hạn chế.

Các nước giá đất lên xuống, họ có thể biết đến từng mảnh đất cụ thể, nhưng mình thì chưa làm được. Hơn nữa, giá đất theo thị trường lúc cao lúc thấp, lúc đóng băng, và đó là thị trường nào trước hay sau đầu tư, cũng là vấn đề.

Chúng ta xác định giá đất đúng như hiện trạng. Còn sau khi đầu tư, giá lên thì chênh lệch địa tô đó phải điều chỉnh. Đây là điểm mới, Nhà nước sẽ điều tiết chênh lệch địa tô - một phần trả cho người sử dụng đất, một phần cho nhà đầu tư và Nhà nước. Chính phần chênh lệch đó sẽ bù đắp thêm, hỗ trợ thêm cho tái định cư, tạo việc làm cho người dân tốt hơn.

Vậy đối với các trường hợp thực hiện theo cơ chế thỏa thuận, vẫn cần có cơ quan định giá đất để các bên tham khảo?

Nếu có cơ quan định giá đất như các nước cũng tốt. Nhưng với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước đại diện thì quyền đó nên thuộc về Nhà nước. Các tổ chức định giá chỉ mang tính chất tư vấn. Nhà nước sẽ quyết định giá sàn tối thiểu. Khi thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước sẽ đứng ra đấu giá. Tất nhiên, cần có sự công khai, minh bạch và bình đẳng hơn giữa Nhà nước và người sử dụng đất, chứ không phải áp đặt cứng nhắc.

Nên để dân giám sát

Về lâu dài, để giải quyết những bức xúc xã hội do thu hồi đất, có nên thay cơ chế hành chính bằng cơ chế dân sự, kinh tế, tăng thỏa thuận để đảm bảo bình đẳng?

Thực ra, hiện nay, người dân thắc mắc nhiều là thực thi pháp luật. Những người thừa hành có thể lồng cá nhân của mình vào, nên không minh bạch. Hoặc anh nhân danh cơ quan nhà nước muốn làm gì thì làm, đặt người bị thu hồi đất vào thế thụ động. Bây giờ, từ làm quy hoạch, thu hồi đất, mọi khâu phải công khai, để nhân dân tham gia ý kiến. Có như vậy sẽ hạn chế chủ quan, độc đoán của người thực thi. Cơ chế thỏa thuận thì luật đã có quy định, vấn đề là áp dụng như thế nào thôi.

Thực thi pháp luật có nơi chưa nghiêm, tham nhũng, tiêu cực từ đất đai còn lớn dẫn đến bức xúc của người dân. Cần làm gì để giải quyết bức xúc này?

Cán bộ phải nghiêm túc, gương mẫu, quy trình thu hồi đất phải công khai, minh bạch. Nếu đền bù được thực hiện công bằng sẽ chẳng có chuyện gì, nhưng có những nơi họ không công khai. Phải có tổ chức giám sát và tốt nhất nên có cơ chế để cho người dân tham gia vào các dự án này trong khâu thu hồi, đền bù để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Truyền hình trực tiếp phiên thảo luận sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, tuần này, Quốc hội (QH) sẽ dành 1,5 ngày (cả ngày 5/11 và sáng 6/11) để thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các phiên thảo luận này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Ngoài ra, QH cũng thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.