Tại Hà Nội những ngày gần đây, số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 4 con số, trong đó nhiều F0 không triệu chứng đã gây ra tâm lý chủ quan cho những người xung quanh.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, chúng ta đang sống với cuộc sống bình thường mới, cho nên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, bất cứ ai cũng có thể trở thành F0. Hôm nay có thể mình còn âm tính, nhưng ngày mai đã dương tính cũng là điều hết sức bình thường.
Tình hình bây giờ đã đỡ hơn trước rất nhiều. Nếu như trước đây, hễ trong khu có người bị dương tính với COVID-19 là cả khu hoang mang, người bệnh dĩ nhiên bị “hốt” đi cách ly tập trung rồi, nhưng cả khu F1 vẫn bị phong toả 14 ngày hoặc vẫn phải đi cách ly tập trung. Cuộc sống bình thường mới, cộng với việc phủ rộng vắc xin, thậm chí nhiều nơi tiêm mũi 3, đã giúp giảm tỷ lệ các ca nặng nhập viện và tử vong, nên mọi người được thoải mái hơn khi đối diện với kết quả “dương tính”. Mỗi cá nhân, gia đình và xã hội cũng đỡ vất vả hơn, đồng thời giảm được rất nhiều chi phí cho ngân sách trong việc cách ly, điều trị.
Khi các ca nhiễm COVID-19 ở Hà Nội và các tỉnh tăng vọt, nhiều người thân của tôi ngoài đó gọi điện hỏi về một vài đơn thuốc hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Tôi cũng hướng dẫn họ vào đọc và xem cách tự điều trị và chăm sóc nhưng F0 nhẹ, F0 không triệu chứng ở một số facebook của các bác sĩ uy tín, hoặc các kênh thông tin chính thống để họ được bình tĩnh hơn.
Tôi cũng động viên mọi người, đã được tiêm đầy đủ vắc xin, nếu không may bị nhiễm bệnh, chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng tôi vẫn phải nhắc đi nhắc lại vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về việc 5K, để bảo vệ mình và mọi người xung quanh.
Hiện nay có tình trạng mọi người chủ quan vì thấy F0 không triệu chứng. Thực tế, bất cứ bệnh tật nào, sau khi nhiễm đều có thể để lại di chứng. Bạn bè tôi, những người đã từng là F0 khỏi bệnh chia sẻ rằng, sức khoẻ yếu đi trông thấy. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi các sang chấn tâm lý nặng nề.
Chị Minh Nguyệt, ở Q7, bạn học với tôi kể lại rằng, chị thường xuyên cảm thấy tức ngực, khó thở, hụt hơi sau khi là F0. Còn chị Kim Hằng thì cho biết, không chỉ sốt thôi không đâu, còn ho kéo dài nữa. Thậm chí test nhanh đã âm tính, nhưng PCR để đủ quy định đi làm trở lại, tải lượng virus trong cơ thể vẫn tồn tại, vẫn cho ra kết quả dương tính.
Có những trường hợp đã tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi, nhiễm COVID-19 vẫn trở nặng nhập viện. Hằng ngày, tại mỗi tỉnh thành đều ghi nhận những ca tử vong. Nói thế để thấy, đối với dịch bệnh, đặc biệt bệnh truyền nhiễm, ai cũng không thể chủ quan.