Gánh nặng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một cậu bé học lớp 6 ở Hà Nội vừa nhảy từ tầng 22 căn hộ nhà mình mà nguyên nhân ban đầu được cho là do áp lực trong buổi thi online ngay tối hôm ấy.

Ngày 9/11 mới đây, nam sinh 11 tuổi ở thành phố Cửu Giang tỉnh Giang Tây, Trung Quốc cũng nhảy từ tầng 24 chung cư xuống đất. Lá thư tuyệt mệnh cậu bé để lại ghi mấy dòng, đại ý rằng tất cả là tại cô giáo chủ nhiệm đã bạo hành đánh đập con nhiều lần khiến con không thiết sống nữa.

Học hành là gánh nặng cho trẻ con toàn thế giới này.

Trong bảng xếp hạng mới đây với 33 quốc gia, học sinh Mỹ có thời gian ở trường nhiều nhất, hơn cả những nơi nổi tiếng "hà khắc" về học hành thi cử như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng vẫn thua trẻ con một số nước về số giờ học trên lớp như Israel, Úc, Mexico, Chi Lê,...

Tôi có lúc từng nghĩ rằng với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo AI có thể làm thay mọi thứ này, đến lúc loài người có lẽ nên... cử người đi học. Nghĩa là cử những đứa trẻ có tư chất, ham học và chịu được áp lực học đường đi học để trở thành những nhà khoa học, phát minh. Số đông trẻ con còn lại thì được đi chơi! Chúng cũng đến trường, tất nhiên, nhưng chỉ cần học sơ lược kiến thức cần thiết để tạo nền tảng cho các kỹ năng mà thôi. Như giữ gìn sức khỏe, bảo vệ thiên nhiên, động vật cần đến môn sinh vật, hóa học. Kỹ năng nào liên quan đến môn vật lý, kiến thức nào học được ở bảo tàng, di tích, di sản gắn với lịch sử, địa lý, văn học. Sáng tạo nghệ thuật, sức bật thể thao gắn với các môn năng khiếu. Thế thôi, tại sao không?

Con trai tôi mấy năm trước nếu thi cử theo kiểu bình thường như số đông cùng lứa thì có lẽ đã không thể vào cấp 3. Đơn giản vì nó "không chịu học" như những đứa bạn khác. Nhưng rồi với đề thi trắc nghiệm 60 câu kiểm tra năng lực tư duy logic và toán thì lại vượt qua ngon lành dù số thí sinh vào trường năm ấy bị trượt khoảng 40%. "Cơ địa" con cái chúng ta như thế nào, liệu cha mẹ đã biết?

Bạn tôi là một bác sĩ vừa viết dòng tút "ba ngày qua nghe tin 3 ông bạn tự tử". Để tạo ra tranh cãi sôi nổi, rằng nguyên nhân từ đâu? Rằng có phải chỉ do bệnh trầm cảm, hay kém về nội lực, hay ích kỷ không nghĩ đến người thân, gia đình?

Thực ra trí tuệ nhân tạo cũng đang dần trở thành gánh nặng với con người. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học người Anh cho hay, thử nghiệm trên 15 ngàn bệnh nhân liên quan đến trí nhớ, thì trí tuệ nhân tạo AI đủ khiến một người bình thường có thể sẽ mất trí sớm 2 năm. Độ chính xác của kết quả nghiên cứu này lên tới 92%.

Sa sút trí tuệ, sa sút nhận thức và kỹ năng sinh tồn tôi nghĩ phần không nhỏ là do chúng ta quá ỷ lại vào sự dẫn dắt "thông minh" của các tiện nghi kỹ thuật số khiến não bộ và cơ thể ngày càng lười biếng vận hành. Một nghịch lý trong cái vòng luẩn quẩn.

Khi mà đa phần những đứa trẻ trên trái đất được thỏa thích vui chơi, có thời gian phát triển các kỹ năng, năng khiếu thì tôi nghĩ thế giới này sẽ hạnh phúc hơn nhiều hiện tại.

Cậu học trò 12 tuổi từ trên tầng 22 trong phút giây cuối cùng khiến chúng ta đau đớn thêm được mấy ngày?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.