Trẻ em tổn thương sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và phổ biến
Cụ thể, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), số liệu điều tra mới đây của tổ chức UNICEF, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần (RLTT) tăng 40-50% so với trước đây.
Trong đó, khoảng 13% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 đáp ứng chẩn đoán RLTT, 19% người trong độ tuổi 15-29 tuổi cảm thấy chán nản, không thích làm gì trong nửa đầu năm 2021.
Tình trạng tự tử ở nhóm tuổi 10-19 trong những năm gần đây vẫn luôn xếp thứ 5 trong nhóm nguyên nhân dẫn đến tử vong sau tai nạn giao thông, bệnh lao, nạn nhân của bạo lực..
Bên cạnh đó, rất nhiều người dù chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán RLTT nhưng cũng đã tổn thương đến mức gián đoạn cuộc sống, sức khỏe, và tương lai mà không được hỗ trợ.
Vì vậy, trong trường hợp cụ thể này, có thể cá nhân em học sinh cũng đã bị tổn thương sức khỏe tinh thần (SKTT) và trải qua cảm xúc sợ hãi, lo lắng trong một thời gian. Sự lo lắng làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức (chú ý và ghi nhớ giảm dẫn đến học không vào), thay đổi về hành vi (trở nên thu mình, có ký ức xâm nhập, ác mộng hoặc hung hăng).
"Bản thân học sinh độ tuổi dậy thì rất nhạy cảm với sự tôn trọng. Các em dễ bị tổn thương, rất dễ chán nản tuyệt vọng với những lời nói và hành động nóng giận của cha mẹ hay các áp lực kỳ vọng của người lớn.
Khi đó, ý nghĩ tự tử xuất hiện và các em tin rằng đó là cách duy nhất thoát khỏi những khó khăn. Các em rất cần sự cảm thông, đồng hành, và lắng nghe của người lớn, cần được sự hướng dẫn một cách thân thiện để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Gia đình cần tránh để con ở một mình, hãy ở bên con và trò chuyện cho đến khi cảm xúc của con được dịu xuống (Ảnh minh họa: Unsplash). |
3/4 trẻ em bị ít nhất một hình thức bạo lực trong khi giãn cách
Trước những nguy cơ trầm cảm của con cái, một phần do cha mẹ cũng quá căng thẳng và kiệt sức trước ảnh hưởng của đại dịch nên thay vì lắng nghe đồng hành với con, nhiều người đã phản ứng với thái độ căng thẳng, thể hiện qua việc tức giận mắng mỏ, thậm chí giận cá chém thớt, bạo hành con cái. Hoặc cũng có một số bố mẹ phản ứng theo kiểu trốn chạy (flight), bỏ mặc con cái, lơ là các trách nhiệm.
Hay nói khác đi, thay vì thân thiện, lắng nghe, yêu thương, cách ứng xử của cha mẹ như vậy sẽ làm tăng các nguy cơ bạo hành, bỏ mặc hoặc lơ là các trách nhiệm chăm sóc, đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho trẻ. Cũng theo nghiên cứu của UNICEF cho thấy 3/4 trẻ em cho biết, mình đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách.
Trong khi đó, nhận thức của các bậc cha mẹ nói chung về vấn đề sức khỏe tâm thần còn nhiều thành kiến, coi những em bị lo lắng trầm cảm chẳng qua do lười, thiếu ý chí, là viện cớ khiến các em càng tổn thương hơn.
Khoảng 21h ngày 16/12, người dân sống tại chung cư Goldmark City (Hà Nội) phát hiện một bé trai nằm bất động. Theo đại diện ban quản trị chung cư, nạn nhân là một bé trai 12 tuổi, đang học lớp 6.
Thông tin ban đầu, có thể do áp lực về học hành, làm bài thi không tốt nên tối 16/12, cháu bé đã nhảy từ tầng 22 xuống dẫn đến tử vong.
Đừng bỏ qua những câu nói bâng quơ
Chịu áp lực, một số trẻ dần dần bộc lộ dấu hiệu căng thẳng qua giao tiếp hàng ngày nhưng cha mẹ do thiếu quan tâm nên không nhận diện được dấu hiệu cảnh báo tự tử.
Chẳng hạn trẻ có thể thốt ra những câu nói bâng quơ: "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu..." ; "Chả còn gì quan trọng cả…"; "Mọi việc đều vô ích thôi…"; "Chả còn gặp ai nữa đâu mà nói..."; "Rồi một ngày bố mẹ sẽ hối hận"…
Hay trẻ bắt tay thực hiện những hành động như sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, thực hiện những hành vi nguy hiểm như cắt tay (thể hiện mình không sợ đau đớn, không sợ chết), viết nhật ký sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý (như di chúc), tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ hoặc trở nên ngoan và vâng lời như thể trả ơn bố mẹ…
Trong khi đó, cha mẹ một phần do bận rộn, không nhận ra cảm giác tuyệt vọng của con cái, không để tâm đến sự cô lập và cảm giác "chẳng ai có thể hiểu tôi" của con đang diễn ra.
Nếu cha mẹ không kịp thời điều chỉnh cái nhìn tiêu cực của con, nói chuyện với con về cảm giác tự tử thật sự thì trẻ không được giải tỏa, không cảm thấy được quan tâm để trút bầu tâm sự nhằm giảm bớt căng thẳng hơn.
Vì vậy, để con tránh những suy nghĩ hoặc ý tưởng tự tử, cha mẹ hãy là người bạn hàng ngày, tìm hiểu tâm tư và nhắc nhở trẻ đó chỉ là suy nghĩ, con không cần phải hành động theo chúng. Những suy nghĩ này có thể chỉ kéo dài vài phút, sau vài giờ, con có thể cảm thấy khác đi rất nhiều.
"Thay vì chìm vào những suy nghĩ tiêu cực, cha mẹ hãy dành thời gian nghĩ việc mình sẽ nhận sự giúp đỡ con cần như thế nào và từ đâu. Cha mẹ cũng cần loại bỏ bất cứ thứ gì xung quanh bạn và trong nhà có thể sử dụng để gây hại cho con. Có thể khóa nó vào hòm kín và quản lý chìa khóa.
Đặc biệt, gia đình cần tránh để con ở một mình, hãy ở bên con và trò chuyện cho đến khi cảm xúc của con được dịu xuống. Hãy hướng con tham gia các hoạt động để làm bản thân bận rộn, cải thiện giấc ngủ, điều hòa cảm xúc, và tạo thêm các kết nối thân thiện cho con.
Cha mẹ cũng cần chú ý đến việc con có thể sử dụng các chất kích thích như rượu bia trong thời gian này vì sẽ làm tăng nặng thêm nguy cơ. Quản lý việc con vào các trang mạng có nội dung khuyến khích tự sát và sự thù địch với cha mẹ. Gia đình nên thuyết phục để con gặp nhà tâm lý lâm sàng hoặc các bác sỹ trong thời gian sớm nhất", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Chuyện không thể đùa
Chuyên gia tâm lý này cũng khẳng định, trong bối cảnh của đại dịch, các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, hành vi tự gây hại, những suy nghĩ tự tử sẽ trở nên phổ biến và không còn hiếm gặp, đặc biệt với lứa tuổi dậy thì.
Để phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng, người lớn cần ý thức về tính nghiêm trọng của vấn đề, tự tìm hiểu để nhận diện xác định sớm nguy cơ cũng như dành thời gian cho việc làm dịu, tìm kiếm sự hỗ trợ online và hướng các em vào những hoạt động vốn là thế mạnh của mình (như những hoạt động sở thích cá nhân trước đây).
Đặc biệt, cần trang bị các chuyên đề nâng cao nhận thức về SKTT trong trường học cho giáo viên, học sinh và qua học sinh để nâng cao nhận thức cho phụ huynh.
Chúng ta cũng cần chuyên nghiệp hóa các dịch vụ tư vấn hỗ trợ tâm lý đạt chất lượng. Theo tôi biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết Định số 34/2020/QĐ-TTg, Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634) với mô tả cụ thể về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu....
Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thành các quy định để phát triển các chương trình đào tạo và cấp bằng hành nghề chính thức cho các nhà tâm lý.