Không chỉ giật gân mới hút

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi TikTok Việt Nam bị thanh tra toàn diện vì nội dung xấu, độc, cộng đồng mạng đã nỗ lực trục độc bằng cách liên tục chia sẻ, quảng bá cho những trang nội dung ở chiều ngược lại. Trái với hình dung về “những chuyện lành mạnh thường ít view”, có những trang nội dung được gắn mác tích cực kiểu này sở hữu hàng triệu lượt thích và theo dõi.

Những câu chuyện nhỏ triệu like

Đầu bảng trong số những fanpage tích cực có số lượt theo dõi và chia sẻ mạnh mẽ hiện nay là “Điều nhỏ xíu xiu”, hiện có 1,2 triệu người theo dõi và số lượng vẫn đang tăng lên mỗi ngày. Fanpage không có các câu chuyện giật gân, câu khách, không có ảnh nóng, chế meme (hình ảnh, âm thanh mang tính hài hước), cũng không có những video “cười sảng” kiểu Long Chun, nó chỉ toàn kể những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng lại thường xuyên diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, mang đến cho người đọc rất nhiều cảm xúc tích cực.

Không chỉ giật gân mới hút ảnh 1
Không chỉ giật gân mới hút ảnh 2

Ảnh thật và ảnh được vẽ lại kể câu chuyện của chú Grab bike trên “Điều nhỏ xíu xiu” thu hút 137.000 like.

Đơn cử, một câu chuyện kể rằng “bố tui đã làm nghề rèn để nuôi sống chị em tui. Rồi nghề rèn đã làm hỏng một con mắt, còn khiến đôi tai bố trở nên lãng đãng. Nói “tui yêu con mắt ấy” thì nghe thật văn vở. Nhưng tui thương nó”. Sau khi bài viết lên sóng chỉ một ngày, đã có gần 6 ngàn like dành cho từ “thương” không văn vở này.

Hay một câu chuyện bé tí khác, về đối thoại của một cô gái và chú grab bike: “Alo cô ơi cô đợi tôi một tí tôi ghé nha! - Dạ! Chú cứ đi cẩn thận, con chờ ạ! - Cảm ơn con, chú cảm ơn con”... Nhịp chuyện tiếp diễn trong tiếng thưa gửi cảm ơn nhẹ nhàng như thế, không có cao trào thắt mở, cú xoay gì hết nhưng đã khiến cho 137 ngàn người phải bấm like, gần 3 ngàn bình luận và hơn 6 ngàn lượt chia sẻ.

Không chỉ giật gân mới hút ảnh 3

“Ngày ngày viết chữ” khiến hàng chục ngàn người phải bấm like vì những câu thơ cổ như thế này.

Khán giả khi đem những câu chuyện này về trang cá nhân của mình đều đơn giản giải thích, là bởi họ bị “những câu chuyện dễ thương, nhân văn, lịch sự” thuyết phục. Có người còn cụ thể hơn: “Anh trai mình hơn mình 9 tuổi cũng thích. Mà mình thì 22 tuổi. Cứ rảnh rảnh lại vào đọc và âm thầm tải ảnh”.

Cùng hệ với “Điều nhỏ xíu xiu” còn có “Gia đình Ngộ”, “Về nhà”, “Chuyện hàng ngày”... Mỗi fanpage đều có lượng fan riêng và đều có thể sống ổn nhờ quảng cáo hoặc đã đạt đến chức năng “làm ra tiền” trên YouTube.

Thời gian qua, khi một số YouTuber “kiếm tiền bẩn” bằng những video “lừa giai” hoặc “nghệ thuật đong đưa”, cộng đồng mạng tích cực đã phủ quyết bằng cách đưa ra đối trọng là kênh YouTube Công 92 của một cô gái người Cơ Tu - A Lăng Thị Công. Tất cả video của Công đều tự quay, tự dựng. Mỗi tuần, cô xuất bản một video giới thiệu những sản vật của đại ngàn Trường Sơn, và tập tục, văn hóa của người Cơ Tu, thậm chí dạy tiếng Cơ Tu. Nhiều người chia sẻ, ban đầu họ xem vì tò mò, sau bị các câu chuyện thu hút, dần trở thành fan của Công. Hiện lượng người theo dõi kênh Công 92 ngày một tăng. Có video đạt cả triệu lượt xem.

Những hội nhóm cho ta học mọi thứ trên đời

Không chỉ giật gân mới hút ảnh 4

Một bức tranh của Daniel Garber (họa sĩ ấn tượng Mỹ) được giới thiệu trên “Mê tranh” thu hút hơn 2.000 lượt thích.

Đông lượt theo dõi nhất trong các nhóm chia sẻ kiến thức là học ngoại ngữ. Riêng cộng đồng Pháp ngữ đã có hàng chục diễn đàn và fanpage cung cấp kiến thức, kỹ năng, bài học miễn phí cho thành viên. Một nghiên cứu sinh ở Pháp nhân dịp nghỉ dịch Covid đã nghĩ ra dự án dạy tiếng miễn phí qua thư. Theo đó, mỗi ngày người này sẽ gửi bài tập, từ vựng và mẫu câu qua thư cho những người đăng ký, qua ngày sau là đáp án. Ban đầu chỉ vì buồn làm chơi, sau số người đăng ký quá đông, chủ topic phải nhờ thêm bạn bè gánh việc. Qua hai năm, đã có hàng ngàn học sinh, sinh viên gửi lời cảm ơn chủ top vì nhờ đó mà có động lực học ngoại ngữ. Tình trạng xôm tụ tương tự ở các diễn đàn học tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Trung...

Riêng tiếng Việt, fanpage “Ngày ngày viết chữ” chuyên cung cấp những câu chuyện be bé về tiếng Việt với mong muốn “giúp mọi người viết tốt hơn đôi chút” đã thu hút hơn 200 ngàn người theo dõi, trong đó đa phần là người trẻ. “Kỳ lạ là một cái status giải thích về ý nghĩa một cụm từ trong Truyện Kiều hay câu thơ của Cao Bá Nhạ đều thu hút đến mấy ngàn lượt thích. Đây là chuyện không dễ đối với bất cứ người làm nội dung nào. Câu chuyện này cũng cho thấy không phải giới trẻ quay lưng với văn hóa truyền thống hay quay lưng với văn học. Chỉ là chúng ta chưa biết làm thế nào để chạm đến họ mà thôi” (chia sẻ của cây viết Nguyệt Vi).

Còn rất nhiều fanpage cung cấp kiến thức triệu view khác, lĩnh vực nào cũng có: hội họa, kiến trúc, lịch sử, văn học... Có người nói vui, chỉ cần muốn học, cứ lội vào dăm ba các fanpage kiểu này, ít nhất cũng có thể qua vỡ lòng. Đây hoàn toàn không phải lời nói quá, bởi hầu hết các trang fanpage chuyên đề đều kêu gọi được nhiều người quan tâm, yêu thích thậm chí là chuyên gia của lĩnh vực đó tham gia. Các kiến thức phần lớn được chia sẻ vô tư. Thậm chí, nếu thực sự cầu thị, người đọc còn có thể được các chuyên gia trực tiếp giải đáp thắc mắc, cầm tay chỉ việc.

Anh Nguyễn Xuân Định (Hà Nội) kể ban đầu lạc vào nhóm “Mê tranh” (hiện có hơn 2 triệu thành viên), đọc được bài phân tích về một bức tranh đấu giá của cụ Lương Xuân Nhị, anh thích ngay. Về sau, mỗi ngày có thời gian vào Facebook, anh đều đọc các bài viết ở đây. Sau một năm tích lũy, anh Định khoe: “giờ đi triển lãm tranh tôi đã có thể biết nhìn cái đẹp của tranh, cái giỏi của họa sĩ chứ không mù tịt như trước nữa”.

Ảnh thật và ảnh được vẽ lại kể câu chuyện của chú Grab bike trên “Điều nhỏ xíu xiu” thu hút 137.000 like

MỚI - NÓNG