Không cần bom tấn để thuyết phục khán giả

0:00 / 0:00
0:00
TP - Suất chiếu “Broker” (tựa việt: Người môi giới) vào sáng Thứ Hai có khoảng ba chục khán giả, chủ yếu là người trẻ. Ra khỏi rạp, tôi vẫn nghe những người này bàn luận về Cành cọ vàng và “người Nhật làm phim Hàn”.

Không có “mãn nhãn” lẫn siêu anh hùng

Đạo diễn của “Người môi giới” là Kore-eda – một người Nhật, trước đó từng chiến thắng giải Cành cọ vàng với bộ phim “Shoplifters” (giới thiệu ở Việt Nam bằng tên “Kẻ trộm siêu thị”). Nhắc lại một chút, trong điện ảnh, tuy Oscar rất danh giá nhưng Cành cọ vàng mới là cái đỉnh mà các nhà làm phim muốn chinh phục.

Những người từng xem “Kẻ trộm siêu thị” đều nhận thấy “Người môi giới” chính là một sản phẩm đồng thanh tương ứng, có thể gọi là “Kẻ trộm” nối dài cũng được. Bản thân Kore-eda cũng từng làm phim về đề tài này: “Like father, like son” (Cha nào con nấy- 2013), nhờ đó mà ông đã phát hiện nhiều điểm tương đồng trong hai hệ thống cho, nhận con nuôi cực kỳ phức tạp của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Không cần bom tấn để thuyết phục khán giả ảnh 1

Cảnh trong phim “Người môi giới”

“Người môi giới” kể về hành trình đi bán những đứa trẻ bị bỏ rơi ở các hộp trẻ sơ sinh, trước cửa nhà thờ, bệnh viện... của chủ một cửa tiệm giặt là có nhiều nợ nần Sang-hyeon (Song Kang-ho thủ vai) và Dong-soo (Gang Dong-won đóng).

Không giống nhiều kịch bản buôn bán trẻ sơ sinh táng tận khác (để lấy nội tạng, để biến chúng thành công cụ kiếm tiền...), hai người đàn ông môi giới tỏ ra khá có tâm khi cố tình chọn các gia đình hiếm muộn làm giao dịch, và họ chỉ đồng ý khi biết rằng đứa bé (có nhiều khả năng) sẽ được chăm sóc tốt.

Hai kẻ tội phạm do vậy không hề đáng ghét, ngược lại, chút ấm áp từ họ đã khiến cô gái điếm So-young (IU- tên thật Lee Ji-eun thủ vai) lần đầu cảm nhận được hơi ấm tình thân, đâm ra gắn bó và quyến luyến cái “gia đình” chắp vá này.

Đây là mô típ không mới, kiểu tội phạm lắc vai thành người tốt chúng ta có thể gặp nhiều trong những phim tâm lý xã hội khai thác đề tài hội chứng Stockholm (hội chứng con tin hình thành mối quan hệ tình cảm với người bắt cóc). Tôi nghĩ Kore-eda cũng không chủ ý xoáy sâu vào những cú xoay (plot twist) ăn khách, giống như ông không liên quan đến các công thức mãn nhãn và siêu anh hùng của các bom tấn. Cái ông quan tâm và theo đuổi có lẽ chính là vẻ đẹp của những con người bình thường, dưới đáy, thậm chí là tội phạm.

Không cần bom tấn để thuyết phục khán giả ảnh 2

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda

Các nhân vật của Kore-eda đều là thành phần đứng bên rìa xã hội. Đa phần không có nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định, không có địa vị lẫn tài sản. Trong sự ngẫu nhiên của số phận, họ dạt vào nhau và bất ngờ tạo ra những ấm áp nho nhỏ, đánh thức phần thiện lương ẩn sâu bên trong mỗi người, như than đá dưới tầng tầng bùn cát.

Đó có lẽ cũng là lý do khiến “Người môi giới” giành được chiến thắng ở hạng mục Prize of the Ecumenical ở Liên hoan phim Cannes năm nay. Giải thưởng này tôn vinh các tác phẩm “đã chạm đến chiều sâu của con người thông qua những nỗi đau, thất bại cũng như những hy vọng của họ”.

Kore-eda cũng từng trả lời phỏng vấn rằng ông chịu ảnh hưởng từ vị đạo diễn nổi tiếng người Ý Federico Fellini, kể cả với những nhân vật xấu, thô tục, cuộc sống của họ vẫn xứng đáng được đạo diễn tôn vinh.

Xu hướng mới của điện ảnh

Vài năm gần đây, những bom tấn từng đại phá phòng vé phiên bản nối dài đều được khán giả đón nhận không mấy vồ vập. Nhiều phim trở thành bom xịt ngay sau ra mắt. Trái lại, những tác phẩm điện ảnh độc lập, khai thác các câu chuyện đời thường cảm động, có chiều sâu tâm lý bắt đầu trở nên được chú ý. Ở Việt Nam, phong trào này bắt đầu mạnh lên từ sau khi phim “Ký sinh trùng” (Parasite) được công chiếu vào năm 2019, trong khi những người sành phim thì khẳng định thói quen xem của giới trẻ đã thay đổi kể từ khi “The way home” (Đường về nhà – đạo diễn Lee Jung Hyang) một tác phẩm điện ảnh rất đáng chú ý khác của Hàn Quốc được phổ biến ở Việt Nam qua con đường băng đĩa lậu từ đầu những năm 2000.

Ở Nhật, Hirokazu Kore-eda nổi tiếng với những câu chuyện bình dị nhưng xúc động về cuộc sống của những gia đình bình thường trong xã hội. Điều này liên quan mật thiết đến việc ông chào sân phim ảnh bằng vai trò nhà làm phim tài liệu truyền hình. “Người môi giới” được làm dựa trên một câu chuyện có thật nhưng lại được kể theo một cách giản dị, khéo léo đánh thẳng vào cảm xúc người xem khiến họ buộc phải dừng lại, tự hỏi và nghĩ ngợi.

Đây có lẽ cũng là hướng đi mới khiến những người làm điện ảnh chú ý. Sự thành công vang dội về doanh thu của “Bố già” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành) là một minh chứng cho sức hút của đề tài gia đình. Dù không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, song “Bố già” lại thành công đánh động được cảm xúc của người xem đại chúng.

“Khán giả ngày càng thông minh và khó tính hơn. Sự mổ xẻ không khoan nhượng của họ dành cho “Em và Trịnh” mới đây là minh chứng. Có lẽ vì những thứ ảo giờ dễ làm rồi, nên người ta mới càng cần những tác phẩm có sự chân thực: về cảm xúc, về cách kể... Điện ảnh cũng thế mà văn học cũng thế” – nhà phê bình Khương Hạ cho biết.

MỚI - NÓNG