Khởi tố vụ án hủy hoại 3ha rừng ở Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 27/7, ông Thái Thượng Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng” đối với 3ha rừng ở xã H’Bông.

Theo Hạt kiểm lâm huyện này, diện tích bị cày xới, san ủi nằm ở khoảnh 1, lô 21, tiểu khu 1064 thuộc lâm phần do UBND xã H’Bông quản lý. Việc san ủi diễn ra vào ngày 7/7. Thời điểm chính quyền kiểm tra, 3ha rừng bị cày trắng hoàn toàn, ở một vài vị trí bờ lô phát hiện có một số gốc cây rừng bị đổ ngã, hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Khởi tố vụ án hủy hoại 3ha rừng ở Gia Lai ảnh 1

3ha rừng bị cày ủi trái phép ở xã H'Bông

Vụ việc này đã được bà Rah H’Bé Nét, Chủ tịch huyện Chư Sê báo cáo UBND tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đây không phải lần đầu tiên rừng do xã H’Bông quản lý bị cày ủi trái phép.

Trước đó, vào tháng 5/2022, tại tiểu khu 1061 do chính xã này quản lý, 5,1ha rừng bị phát hiện cày xới, diện tích thiệt hại 4.400m2. Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 1 xe công nông độ chế chở mía giống để trồng trên diện tích này. Hạt kiểm lâm huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi “Hủy hoại rừng” và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện.

Tiếp đó, 11,5ha rừng ở tiểu khu 1065 cũng bị san ủi trái phép vào tháng 9/2021. Trên diện tích này, cơ quan chức năng phát hiện có 200 cây rừng bị cưa chặt, vứt bỏ ở bìa suối; diện tích thiệt hại được xác định 115.800m2. Hạt kiểm lâm huyện này cũng ra quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng” và chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện xử lý.

Cả ba vụ hủy hoại rừng đều bị khởi tố trên cùng một lâm phần do xã H’Bông quản lý.

Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch xã H’Bông cho biết: “Chúng tôi được giao quản lý 3.200ha rừng, nơi gần nhất cách UBND xã 30km, xa nhất là 65km, diện tích trải rất rộng… trong khi không có lực lượng chuyên trách bảo vệ. Bây giờ chỉ có tìm ra thủ phạm mới xử lý được sự việc”.

Theo ông Viên, căn cứ Luật Lâm nghiệp, đối với rừng phòng hộ, UBND xã không thể là chủ rừng được. Khi bàn giao rừng về cho xã, huyện cũng làm các quy trình để tỉnh chuyển rừng về cho Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ.

“Từ năm 2020 đến nay, qua nhiều hội nghị, cuộc họp, tiếp xúc cử tri, kể cả tiếp xúc Hội đồng nhân dân tỉnh vẫn không chuyển đổi chủ rừng được…”, ông Viên cho hay.

MỚI - NÓNG