Vì sao không khởi tố vụ 32.000 m2 rừng phòng hộ bị vùi lấp ở Ninh Bình?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau nhiều chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình về việc làm rõ và xử lý việc Công ty TNHH Duyên Hà vùi lấp 32.000 m2 rừng, mới đây, Công an tỉnh Ninh Bình có thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ việc này. 

Cụ thể, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp cho biết, đơn vị này đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình giải quyết vụ việc. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình có thông báo gửi Hạt Kiểm lâm Tam Điệp về việc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, sau khi có kết luận các vi phạm, Công ty TNHH Duyên Hà đã khắc phục diện tích rừng bị sạt lở bằng phương pháp bù đất, trồng cây hỗn giao với mật độ 10.000 cây/ha. Công ty này đang thực hiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng bị ảnh hưởng theo hướng dẫn.

 Vì sao không khởi tố vụ 32.000 m2 rừng phòng hộ bị vùi lấp ở Ninh Bình? ảnh 1

Hiện trường vụ rừng bị tàn phá. Ảnh H.B

Trước đó (ngày 25/3/2022), Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi các Sở NN&PTNT, TN&MT, Công thương và UBND TP Tam Điệp, yêu cầu thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra, làm rõ nội dung Công ty TNHH Duyên Hà làm vùi lấp 32.000 m2 rừng.

Văn bản nêu rõ, UBND tỉnh Ninh Bình nhận được phản ánh về việc Công ty TNHH Duyên Hà khai thác mỏ ngoài mốc giới làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ tại khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn (TP Tam Điệp) nên giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP Tam Điệp tiến hành kiểm tra, làm rõ và báo cáo về UBND tỉnh Ninh Bình trước ngày 20/4/2022.

Liên quan đến sự việc khai thác mỏ, năm 2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thanh tra và kết luận, Công ty TNHH Duyên Hà đã khai thác ra ngoài giấy phép 578 với tổng diện tích là 4,7 ha; Khai thác vượt công suất được cấp phép khai thác năm 2018 nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản số 1417 ngày 11/6/2015 (vượt 1,3%); năm 2017 công ty khai thác tại đường vận chuyển chính nối dây chuyền 1 và dây chuyền 2 nằm ngoài ranh giới mỏ với diện tích khoảng 0,6 ha (khối lượng 296.252 tấn).

Ngoài ra, kết luận cũng nêu, Công ty TNHH Duyên Hà khai thác không đúng một trong các thông số của hệ thống khai thác gồm, chiều cao tầng, góc độ dốc sườn tầng đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt; khai thác khoáng sản đi kèm (đôlômít) từ năm 2017 đến 2019 khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép…

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong quá trình khai thác vật liệu làm xi măng, Công ty TNHH Duyên Hà đã gây sạt lở đất đá xuống phía dưới, vùi lấp 32.000 m2 diện tích rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Điệp (Ninh Bình). Sự việc xảy ra từ tháng 10/2018 và tháng 12/2019 (lần 1 ngày 12/10/2018 có diện tích hơn 19.800 m2; lần 2 ngày 25/12/2019 là gần 12.600 m2).

Năm 2020, ông Phạm Quang Ngọc, thời điểm đó là Phó Chủ tịch, nay là Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình từng ký văn bản chỉ đạo các sở, ngành nêu trên và UBND TP Tam Điệp vào cuộc kiểm tra làm rõ các hành vi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các sai phạm của Công ty TNHH Duyên Hà; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, chỉ đạo trên chưa được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm và ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phải tiếp tục có ý kiến chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm.

MỚI - NÓNG