Những ngày đầu tháng 10, trên các tuyến đường dẫn vào cửa ngõ Thủ đô như: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Phúc Yên, Nam Thăng Long, Nhật Tân... không khí trở nên đặc quánh khi người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Trên đường đê, dưới đường làng, thậm chí cả quốc lộ mù mịt khói.
Sau khi gặt xong, lúa được đập lấy hạt tại chỗ và rơm được loại bỏ. Nhiều gia đình đốt rơm tại ruộng để lấy tro làm phân bón và lấy ruộng sạch trồng cấy vụ tới.
"Tro sau khi đốt mang về ủ từ 2 đến 3 tháng rồi bón rau, hoa màu và trồng đu đủ. Năm nào cũng vậy, sau khi gặt xong 3 sào lúa gia đình đốt rơm tại đồng rồi đóng bao chở về nhà", ông Lâm, Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội cho biết.
17h trên quốc lộ 32 ngập tràn khói trắng. Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... làm chảy nước mắt, gây kích ứng đường hô hấp. Người hít phải dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở…
Khói dày đặc bao phủ một góc phía tây Hà Nội.
Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, các phương tiện tham gia giao thông ẩn hiện trong làn khói.
Người và xe len lỏi trong không khí dày đặc trên đường Dương Nội (phía đông Hà Nội). Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (monoxide carbon).