Khó xử người bán thì phạt người mua

Khó xử người bán thì phạt người mua
TP - Theo dự thảo lần bốn, người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100-200 ngàn đồng. Cái lý để đưa ra quy định mới này, là do không xử được người bán mũ rởm.

> Tai nạn nhiều, phạt ít

MHB rởm bày bán tràn lan tại phố Xã Đàn (Đống Đa – Hà Nội)
MHB rởm bày bán tràn lan tại phố Xã Đàn (Đống Đa – Hà Nội).

Liên Bộ KHCN, GTVT và Công an vừa đưa ra dự thảo (lần 4) quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. 

Theo đó, người đội MBH không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100-200 ngàn đồng. Cái lý để đưa ra quy định mới này, là do không xử được người bán MBH rởm.

Tự do bán mũ bảo hiểm rởm

Theo khảo sát của PV ngày 6-3, MBH không có tem kiểm định chất lượng, nhái, không rõ nguồn gốc được bày bán công khai trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, như Khâm Thiên, Chùa Bộc, Đội Cấn, Cầu Giấy, Xã Đàn...Những loại mũ này được người bán gọi là “mũ thời trang”, với nhiều kiểu dáng, màu sắc, đặc biệt giá chỉ 30-50 nghìn đồng/chiếc.

Các loại mũ này chủ yếu làm bằng nhựa tái chế, dày, mỏng tùy từng loại; có nhiều mũ bọc vải bò, hình dạng giống mũ lưỡi trai, hầu hết đều không có tem kiểm định chất lượng, nơi sản xuất...

Một chị bán hàng đon đả: “Toàn mẫu mới đấy em, giá từ 50-80 nghìn đồng/chiếc, tùy từng loại, thích chiếc nào thì nói chị giảm giá cho”. Khi hỏi về tem kiểm định mũ, chị này nói: “Mỗi ngày chị bán được hàng chục chiếc, có ai hỏi đâu. Hàng thời trang này lấy đâu ra tem, tiền nào của nấy thôi”.

Đi dọc phố Khâm Thiên, đường Láng, Cầu Giấy, đường Bưởi… loại mũ thời trang được bày bán trên các sạp, vỉa hè, trong thúng, mẹt. Trên đường Khâm Thiên, chỉ quanh khu vực giao với đường tàu có 4-5 hàng gánh, bán MHB rởm. Chị N. ngồi bán mũ sát khu vực đường sắt cho biết: “Cứ thúng, mẹt cho cơ động. Khi công an hay quản lý thị trường đến còn chạy được, chứ bày ra nhiều, đôi khi trở tay không kịp”.

Theo các tiểu thương buôn mũ, mùa hè sắp đến, nên họ đều chuẩn bị nguồn hàng để bán, tăng thêm các mẫu mới, có vành rộng để chống nắng. MBH nữ được trang trí hoa, nơ, vải màu sáng trông bắt mắt; có khoét vùng gáy, tiện cho chị em buộc tóc. Mũ nam ngoài kiểu “truyền thống” lưỡi trai, phối các màu mạnh, còn có kiểu mũ nhái theo kiểu mũ quân đội, trông hầm hố.

Liệu người tiêu dùng có đủ thông thái để phát hiện mũ thật, giả? Ảnh: PV
Liệu người tiêu dùng có đủ thông thái để phát hiện mũ thật, giả?
Ảnh: PV.

Sao lại đánh vào người tiêu dùng?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN, đơn vị đầu mối dự thảo thông tư trên), cho biết qua kiểm tra thực tế, những chiếc mũ đó không phải là MBH cho người đi mô tô, xe máy.

Người mua chủ yếu để đối phó với CSGT, hoặc vì nó rất thời trang, nhẹ, rẻ tiền, mất cũng không tiếc, nên nhiều người mua. “Các loại mũ nói trên đội khi không may xảy ra tai nạn rất nguy hiểm, những mảnh sắc, nhọn có thể đâm vào đầu. Tuy nhiên, khi kiểm tra, chủ hàng cứ vin vào mũ này là mũ dành cho người đi bộ, mũ thể thao...Nên cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt họ vì bán mũ cho người đi bộ được” - Ông Vinh nói.

“Muốn đánh, phải đánh vào người nào tiếp tay cho hành vi vi phạm, chứ còn đánh vào người tiêu dùng thì rất khó. Nếu người bán cứ dán tem hợp quy (CR) thì giải quyết thế nào được. Người tiêu dùng không có trách nhiệm phải kiểm nghiệm chất lượng mũ” - Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội.

Theo ông Vinh, thông tư liên tịch đang được soạn thảo sẽ đánh, và loại bỏ dần các loại mũ rởm đang được người bán ngang nhiên kinh doanh trên vỉa hè. Khi xử lý người mua, sẽ không ai mua nữa, và bước tiếp theo sẽ tiếp tục xử lý các mũ có tem tiêu chuẩn CR, nhưng lại kém chất lượng.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định người bán MBH ở địa phương nào thì công an xã, phường ở đó tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định. Ví dụ người bán đó đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa? có hợp đồng ký kết với người sản xuất, nhập khẩu chưa? Có các bản sao chứng chỉ chất lượng không, nếu không có sẽ bị xử phạt”.

Ông Vinh cũng cho biết, hiện nhiều nhà sản xuất MBH không sống nổi trước cái giá quá rẻ của các loại mũ rởm trôi nổi. Vì thế, có thể một số đơn vị đã sản xuất mũ kém chất lượng và gắn tem CR để “sống chung với lũ” hoặc người bán làm giả chứng nhận hợp quy. Chúng tôi đang kiểm tra, xử lý loại mũ này.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội nói: “Muốn đánh, phải đánh vào người nào tiếp tay cho hành vi vi phạm, chứ còn đánh vào người tiêu dùng thì rất khó. Nếu người bán cứ dán tem hợp quy (tem CR) thì giải quyết thế nào được.

Người tiêu dùng không có trách nhiệm phải kiểm nghiệm chất lượng mũ. Tất nhiên, người đội mũ kiểu đó cũng chỉ là biện pháp đối phó với CSGT. Còn việc xử phạt, chỉ CSGT mới làm được, chứ không ông nào có thể dừng xe, để hỏi về chất lượng của cái mũ”.

Theo ông Lộc, những hộ bán tràn lan MBH dỏm trên phố, kể cả vỉa hè, bắt buộc chính quyền phường, xã phải vào cuộc.

“Khi chúng tôi nói thì họ mới làm, còn không nói gì thì họ lại tránh. Mấy ông phường, xã mà không làm thì chả ai làm thay họ được việc đó. Vì quản lý thị trường, khi có tin báo, đến nơi thì người ta cũng dọn dẹp rồi, hơn nữa, cứ giành giật nhau cái mũ cũng không giải quyết được vấn đề gì. Chẳng hạn, ở khu Chùa Bộc, lúc chúng tôi đến, thì họ đã bê luôn cả sạp chạy đi rồi”, ông Lộc nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...