Khiếu nại, tố cáo phức tạp, đại biểu QH đề nghị sửa Luật Đất đai trong năm 2020

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
TPO - Trước nhiều bất cập, vướng mắc, đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu đến năm 2022 mới sửa Luật Đất đai thì sẽ rất muộn, nên đề nghị nghiên cứu, sửa đổi ngay trong năm 2020.

Còn nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm

Phiên họp toàn thể lần thứ 27 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã khai mạc ngày 16/4. Tại Phiên họp, Ủy ban xem xét, cho ý kiến vào tờ trình đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và một số đề nghị, kiến nghị xây dựng luật của đại biểu Quốc hội.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, chương trình năm 2021 gồm 8 dự án luật, pháp lệnh. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 11, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào chương trình là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, do đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, thường chỉ kéo dài 2 tuần và Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự, nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào chương trình. Sang kỳ họp thứ 2, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến 5 dự án Luật gồm: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo luật. Theo đó, Chính phủ đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Lý do là nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh...

Năm 2022 mới sửa thì rất muộn

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp để thảo luận về kế hoạch và định hướng sửa đổi Luật Đất đai. Qua thảo luận, Chính phủ thấy, đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Việc sửa đổi, bổ sung dự án luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị - xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội và Đại hội Đảng các cấp. Mặt khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.

Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trước mắt, Chính phủ giao Bộ TN&MT đề xuất xây dựng ngay nghị quyết của Quốc hội để để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian qua.

Thảo luận tại Phiên họp về đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết việc thi hành Luật Đất đai kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập, vướng mắc để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu cụ thể, quyết liệt nội dung này, bởi hiện nay, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai khá phổ biến. Ngoài ra, hệ thống pháp luật đang hoàn thiện như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) vẫn vướng mắc nhiều vấn đề liên quan đến đất đai vì đây là luật cơ bản để sử dụng nguồn lực. Vì thế, nếu không sửa đổi kịp thời sẽ rất khó thực hiện.

“Chính phủ đề nghị rút dự án Luật Đất đai sửa đổi khỏi chương trình 2020, nhưng năm 2021 cũng không thấy xuất hiện. Có nghĩa là có thể khoá mới, năm 2022 mới cho vào, như thế là rất muộn, không có cơ sở để thực hiện chính sách pháp luật khác. Tôi đề nghị năm 2020 phải nghiên cứu, sửa đổi”, ông Sinh nêu.

MỚI - NÓNG