Khi tiền công đức được minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều năm trước, việc quản lý hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi (Hà Tĩnh) thực hiện kém hiệu quả, tiền công đức được gia đình thủ nhang nộp vào ngân sách địa phương 2,5 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khi di tích được giao cho địa phương quản lý, chưa đầy nửa năm 2024 , số tiền công đức nộp ngân sách tăng lên hơn 14 tỷ đồng.

Đền Chợ Củi còn gọi là đền thờ Quan Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đền được lập từ thời Lê Sơ, đến thời Nguyễn được tôn tạo thêm và sau này trùng tu lại như hiện nay. Năm 1974, đền Chợ Củi được Ty Văn hóa Hà Tĩnh liệt kê đưa vào chế độ bảo vệ Nhà nước.

Năm 1978 Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh đưa vào phiếu kiểm kê di tích lịch sử văn hóa. Năm 1990, UBND xã Xuân Hồng phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh tu sửa, tôn tạo. Hai năm sau, Bảo tàng Hà Tĩnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Quốc gia và được Bộ Văn hóa Thông tin ban hành quyết định công nhận và xếp hạng đền Chợ Củi là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào năm 1993.

Khi tiền công đức được minh bạch ảnh 1
Tiền công đức được minh bạch

Từ khi xếp hạng đến nay, đền có 3 lần trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa. Năm 2015, gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý (trú xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) được ngành chức năng địa phương giao sửa chữa, tu bổ, tôn tạo Di tích đền Chợ Củi với kinh phí huy động từ nguồn công đức và nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra, ngành chức năng Hà Tĩnh xác định đền Chợ Củi là di tích lịch sử - văn hoá được các cấp chính quyền quản lý, tôn tạo. Đây là di tích văn hoá tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào nên cần giao lại địa phương, thành lập một đơn vị tiếp nhận, quản lý hoạt động. Sau khi huyện Nghi Xuân có chủ trương này, ông Nguyễn Sỹ Quý và gia đình đã bàn giao chìa khóa hòm công đức, chìa khóa Cung đức Thánh mẫu và các cung còn lại của nội tự cho đơn vị quản lý.

Khi tiền công đức được minh bạch ảnh 2
Đền Chợ Củi đón nhiều du khách chiêm bái

Giám sát tiền công đức

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Minh Đức - Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân cho biết, thời gian trước, đền Chợ Củi được BQL đền Chợ Củi quản lý. Thành phần tham gia của đơn vị này chủ yếu là cán bộ phòng ban của huyện kiêm nhiệm phụ trách và cán bộ UBND xã Xuân Hồng cùng gia đình thủ nhang.

“Việc quản lý hoạt động đền Chợ Củi ngày trước không hiệu quả, còn nhiều hạn chế, không thực hiện đầy đủ các lễ nghi, lễ hội tại di tích. Trong khi gia đình thủ nhang lại nắm hết các hoạt động tại khu vực nội tự. Nguồn thu công đức cũng vì thế không được thủ nhang báo cáo rõ ràng, chi tiết mà chỉ nộp khoán theo hợp đồng 2,5 tỷ đồng/năm. Cơ sở hạ tầng của đền nhiều năm qua ít được chỉnh trang, tu sửa dẫn đến xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan, an ninh - trật tự”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, sau khi BQL dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân tiếp nhận, quản lý (từ ngày 15/1 đến nay), đơn vị đã trải qua nhiều khó khăn như: thiếu sự đồng thuận của gia đình thủ nhang và một số hộ dân có liên quan; kinh nghiệm của đội ngũ làm việc tại khu di tích tâm linh còn hạn chế; cơ sở hạ tầng của di tích xuống cấp... Để hoạt động hiệu quả, BQL đã thành lập các tổ nội tự, tổ ghi công đức, tổ bảo vệ, tổ vệ sinh và tổ tiếp nhận cùng bộ máy nhân viên tại các khu vực lên đến 50 người nhằm phục vụ du khách tốt nhất, giúp di tích đền Chợ Củi có sự thay đổi, hiệu quả rõ rệt.

Ngoài ra, BQL cùng UBND xã Xuân Hồng, lực lượng công an sở tại lắp đặt hệ thống camera tất cả các khu vực của đền; phối hợp để giám sát, quản lý hoạt động, an ninh trật tự tại di tích. Nguồn tiền công đức cũng được quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả. Khi kiểm đếm công đức có sự chứng kiến của các phòng, ban cấp huyện, xã, thôn tại phòng riêng biệt có lắp camera giám sát.

“Từ đầu năm đến nay, đền Chợ Củi đón hơn 60.000 lượt du khách thập phương tham quan, chiêm bái, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền công đức của đền thu nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng. Số tiền trên được thu từ đóng góp trực tiếp ghi vào sổ công đức, bỏ vào hòm công đức và quét mã QR code. Tôi khá bất ngờ với số tiền lớn như vậy mà du khách thập phương đã công đức mà lâu nay chỉ gia đình thủ nhang mới nắm rõ. Nguồn tiền công đức này sẽ được sử dụng cho các mục đích tôn tạo, sửa chữa và phục vụ các hoạt động tại di tích theo quy định mà Bộ Tài chính hướng dẫn, ban hành”, ông Đức nói thêm.

Cũng theo đại diện BQL dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, thời gian tới, đơn vị sẽ mở rộng khuôn viên, hoàn thiện hạ tầng đường sá, bãi đậu xe, rào chắn...; tập trung tổ chức quy mô, chu đáo các lễ hội, ngày giỗ tại di tích; đảm bảo an ninh trật tự tại đền, đặc biệt là an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, Ban cũng sẽ quản lý chặt chẽ hơn về đội ngũ hành lễ, hầu đồng trong hoạt động tại di tích. Đối với cán bộ, nhân viên làm việc tại đền sẽ được tập huấn để phục vụ du khách tốt nhất khi về tham quan, chiêm bái.

Lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân cũng khẳng định việc địa phương tiếp nhận, quản lý đền Chợ Củi một cách bài bản, có hệ thống sẽ ngày càng nâng cao giá trị văn hóa tâm linh và hoạt động lễ hội tại di tích cấp Quốc gia.

“Nguồn tiền công đức của du khách thập phương tại khu di tích sẽ được giám sát, quản lý minh bạch và sử dụng phù hợp hơn. Từ đó, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội tại các khu di tích”, vị lãnh đạo địa phương thông tin.

Hồi tháng 1, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kết luận thanh tra số 07 về việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi. Kết luận của đoàn thanh tra đã chỉ ra một số bất cập, tồn tại, hạn chế trong quản lý của lãnh đạo địa phương và BQL di tích đền về việc giao khoán tiền công đức cho thủ nhang. Từ các vi phạm trên, ngành chức năng đã xử lý trách nhiệm một số cá nhân và các phòng ban cùng nhiều đơn vị được xác định có sai phạm, thiếu trách nhiệm; Yêu cầu chấn chỉnh, thực hiện nhiệm vụ, vai trò và quy hoạch đã đề ra.

MỚI - NÓNG
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
TPO - Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 ( tên quốc tế YAGI) tác động trực tiếp khi nằm trên trục di chuyển của cơn bão sau khi đổ bộ đất liền. Trong 24 giờ qua Hà Nội có mưa dông và gió giật dữ dội, dự báo trong ngày 8 - 9/9 khu vực vẫn nằm trong ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão.