Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.

Xin giữ tiền công đức tu bổ di tích

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, các địa phương có số tiền công đức nhiều nhất như: Hà Nội gần 400 tỷ đồng, Hải Dương hơn 200 tỷ đồng, An Giang hơn 200 tỷ đồng...

Là một trong những địa phương có số thu công đức lớn, huyện Bảo Yên (Lào Cai) có số thu tiền công đức năm 2023 hơn 95,8 tỷ đồng và chi hết 76,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quản lý di tích 12,7 tỷ đồng, chi hoạt động lễ hội 5,1 tỷ đồng, chi tu bổ, tôn tạo di tích 50,2 tỷ đồng, chi khác tại di tích 8,6 tỷ đồng.

Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi ảnh 1

Người dân viết phiếu công đức tại Đền Trần (Nam Định). Ảnh: QN

Đại diện UBND huyện Bảo Yên cho biết, nhu cầu chi tu sửa, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện rất lớn, đặc biệt là trùng tu, tôn tạo, xây dựng di tích. Nguồn thu của di tích trên địa bàn huyện chủ yếu từ tiền công đức Đền Bảo Hà. Các di tích khác có nguồn thu rất nhỏ, không đủ chi thường xuyên.

Cụ thể, di tích quốc gia lịch sử văn hoá Đền Bảo Hà số thu tiền công đức năm 2023 ở mức 71 tỷ đồng. Đền Bảo Hà gồm các khoản chi hoạt động lễ hội 5,6 tỷ đồng, chi tu bổ, tôn tạo di tích 39,6 tỷ đồng. Đối với phế tích lịch sử Thành cổ Nghị Lang có số thu công đức 371 triệu đồng, chi hoạt động lễ hội 197 triệu đồng.

Các di tích cấp tỉnh tại Bảo Yên (như phế tích đền Nghĩa Đô, phế tích đền Long Khánh, Đền Hai Cô, đền Làng Lúc) có số thu tiền công đức 918 triệu đồng nhưng số chi lên tới 555 triệu đồng cho hoạt động lễ hội và 10,6 tỷ đồng chi tu bổ, tôn tạo di tích.

“Di tích trên địa bàn huyện đã xuống cấp cần đầu tư sửa chữa, tôn tạo và đầu tư xây dựng mới. Tổng kế hoạch vốn được phê duyệt đầu tư tại các di tích của huyện Bảo Yên giai đoạn 2021-2025 ở mức 331 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đã giao lũy kế đến nay 140 tỷ đồng, số vốn còn thiếu chưa phân bổ 191 tỷ đồng.

Do vậy, kinh phí thu được từ nguồn công đức, tài trợ của du khách đề nghị được để lại huyện sử dụng để đầu tư xây dựng, tu bổ cho các di tích trên địa bàn huyện”, UBND huyện Bảo Yên đề xuất.

Một trong những di tích lịch sử văn hoá có số thu tiền công đức đứng đầu cả nước là Miếu Bà Chúa Sứ (Châu Đốc, An Giang). Năm 2023, Miếu Bà Chúa Sứ có số thu tiền công đức 220 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi giữ lại tu bổ di tích, toàn bộ số tiền công đức được chi hoạt động từ thiện, làm đường vùng khó khăn, an sinh xã hội.

Trước đó, tại họp báo về lễ hội quốc gia Vía Bà Chúa xứ núi Sam năm 2022, đại diện TP Châu Đốc (An Giang) cũng cho biết, số tiền công đức hằng năm của Miếu Bà Chúa Sứ khoảng 120 - 150 tỷ đồng. Sau khi chi khoảng 30% cho tu bổ di tích, số tiền công đức còn lại chi cho hoạt động từ thiện.

Gỡ vướng khoản chi tiền công đức

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc thu chi công đức thời gian qua chuyển biến theo hướng tích cực. Tiêu biểu như di tích Đền Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), trước đây hoạt động thu được khoán cho thủ từ với số tiền 2,5 tỷ đồng/năm. Sau khi phát hiện bất cập, UBND tỉnh Hà Tĩnh thay đổi cách quản lý, giao về Ban quản lý di tích. Được biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, số tiền công đức thu được cao gấp khoảng 1,5 lần số tiền khoán cả năm của nhiều năm trước.

Một trong những kiến nghị được địa phương đề xuất chi cho hoạt động phát triển du lịch tâm linh kết hợp du lịch cộng đồng. Trong khi đó, Thông tư 04/2023/TT-BTC không quy định nội dung chi cho việc đầu tư phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng nơi có di tích.

Tiêu biểu như UBND huyện Bảo Hà đề nghị cơ quan chức năng bổ sung khoản chi đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Trong đó gồm: chi hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá về du lịch, xây dựng dự án, đề án phát triển du lịch. Chi đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho phát triển du lịch, Tổ chức lễ hội văn hóa kích cầu du lịch...).

TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TPHCM) đánh giá, báo cáo tiền công đức của địa phương cho thấy, sự minh bạch trong thống kê nguồn thu, chi của đơn vị quản lý di tích.

Theo ông Nam, việc chi tiền công đức cho tu bổ di tích, tổ chức lễ hội hay từ thiện hiện nay do ban quản lý di tích thực hiện mỗi nơi một kiểu. Tuy nhiên, sau khi có thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn, dần dần, việc quản lý thu chi tiền công đức sẽ minh bạch, khoa học hơn.

“Người dân đi lễ đền, chùa, cung tiến tiền công đức xuất phát từ lòng tin đối với nơi dâng lễ. Việc địa phương xin giữ tiền công đức tu bổ di tích hợp lý, phù hợp với mong muốn tu bổ di tích của nhà từ thiện”, ông Nam cho biết.

Ông Nam cũng khuyến nghị, cơ quan chức năng sau báo cáo tổng hợp từ địa phương cần tập hợp thông tin về tình hình khó khăn, đưa ra giải pháp tháo gỡ cho địa phương. Bên cạnh đó, đề xuất của một số địa phương bổ sung khoản chi hoạt động lễ hội, chi phát triển du lịch tâm linh hợp lý, cần có hướng dẫn cụ thể.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng hợp từ các địa phương sẽ minh bạch thông tin thu chi tiền công đức trên cả nước. Lần báo cáo này chỉ tổng hợp số liệu, đưa ra bức tranh chi tiết, không đánh giá việc thu chi đúng sai của các đơn vị. Đồng thời, Bộ Tài chính tập hợp vướng mắc của địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thu chi tiền công đức.

TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TPHCM) đánh giá, báo cáo tiền công đức của địa phương dần cho thấy sự minh bạch trong thống kê nguồn thu, chi của đơn vị quản lý di tích... Tiền công đức năm 2023 của một số địa phương có số thu lớn như Hà Nội gần 400 tỷ đồng, Hải Dương hơn 200 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, tỉnh Nam Định hơn đạt 214 tỷ đồng, Bắc Giang 122 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG