Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương kiểm tra tiền công đức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Tài chính yêu cầu UBND địa phương trên cả nước kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích lịch sử - văn hóa. Thời kỳ kiểm tra năm 2023 và báo cáo kết quả muộn nhất ngày 31/3/2024.

Theo đó, việc kiểm tra nhằm tổng hợp, đánh giá công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích lịch sử - văn hóa. Thông qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng hỗ trợ tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.Tất cả di tích lịch sử - văn hóa được cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa đều trong diện kiểm tra.

Nội dung kiểm tra gồm: Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Thời kỳ kiểm tra năm nay.

Sở Tài chính được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn cấp tỉnh. Sở Tài chính tổng hợp kết quả kiểm tra, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký duyệt, gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.

Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương kiểm tra tiền công đức ảnh 1

Người dân cung tiến tiền công đức tại Đền Trần (Nam Định). Ảnh: Nguyễn Trọng Tài.

Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cấp huyện.

Bộ Tài chính yêu cầu, Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về mục đích, đối tượng và nội dung kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

“Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội. Nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch”, Bộ Tài chính yêu cầu UBND các cấp giải thích rõ với đối tượng kiểm tra.

Trước đó, việc kiểm tra tiền công đức thực hiện thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh. Kết quả kiểm tra cho thấy, tổng số thu tiền công đức, tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm nay dự kiến trên 180 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm, tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022.

MỚI - NÓNG