Cần xử nghiêm đơn vị chây ì báo cáo quản lý tiền công đức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Tài chính cho biết, đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và chỉ kiểm tra trực tiếp với các di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích còn lại do địa phương chủ động kiểm tra, báo cáo Bộ Tài chính. Từ vụ việc báo cáo tiền công đức tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp quản lý tiền công đức, xử lý nghiêm đơn vị chây ì báo cáo.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Thông tư số 04/2023/TT-BTC là văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Với việc quản lý tiền công đức, Thông tư 04 nêu rõ, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm “cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật”.

Cần xử nghiêm đơn vị chây ì báo cáo quản lý tiền công đức ảnh 1

Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) vừa được UBND thành phố Uông Bí yêu cầu báo cáo quản lý tiền công đức lần 2. Ảnh: HD

Với chùa Phật giáo đã được xếp hạng di tích, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản hướng dẫn, đề nghị tăng ni, phật tử, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm nội dung Thông tư 04.

“Bộ Tài chính đã lập đoàn kiểm tra liên bộ thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại Quảng Ninh (gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và chỉ kiểm tra di tích quốc gia đặc biệt. Đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương tự kiểm tra đối với các di tích còn lại”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài chính chỉ tới kiểm tra trực tiếp tại 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh. Với di tích khác như chùa Ba Vàng thuộc quản lý của địa phương do đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và gửi báo cáo tới Bộ Tài chính.

“Những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Vì vậy, Thông tư 04 nhằm minh bạch quản lý tiền công đức”, đại diện Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc báo cáo minh bạch quản lý thu chi tiền công đức là cần thiết. Việc báo cáo tình hình quản lý tiền công đức đã nêu rõ tại Thông tư 04/2023. Các cơ sở tín ngưỡng, đền chùa phải tuân thủ chấp hành. Với hơn 50 đơn vị không chấp hành báo cáo ở lần thí điểm tại Quảng Ninh, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý quyết liệt.

“Việc báo cáo thu chi nhằm minh bạch nguồn tiền để tạo thêm lòng tin cho người dân, nhà hảo tâm. Với đơn vị không thực hiện báo cáo theo yêu cầu, cơ quan quản lý nên có chế tài xử lý nghiêm như phạt hành chính. Thậm chí, đơn vị cố tình chây ì, không chấp hành báo cáo sẽ bị xử phạt nặng như thu hồi xếp hạng di tích, cấm tổ chức hoạt động như lễ hội…”, ông Thịnh kiến nghị.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước có 123 di tích quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích quốc gia, trên 10.000 di tích cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định Luật Di sản văn hóa.

MỚI - NÓNG