Quản lý tiền công đức trên cả nước: Sẽ minh bạch quản lý, thu chi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lần đầu tiên, các tỉnh, thành trên cả nước phải rà soát, báo cáo tiền công đức về Bộ Tài chính trước ngày 31/3. Thời hạn báo cáo sắp kết thúc, địa phương rốt ráo rà soát việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức. Việc báo cáo này được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch nguồn tiền, tăng thêm niềm tin cho người dân.

Rốt ráo rà soát tiền công đức

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa ký ban hành Kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích lịch sử, văn hóa.

UBND TPHCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở, ngành tổng hợp và trình lãnh đạo thành phố ký, báo cáo Bộ Tài chính. Lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu thành phố Thủ Đức, các quận, huyện trực thuộc gửi công văn đề nghị báo cáo, tiếp nhận báo cáo của chủ thể quản lý di tích thông qua UBND xã, phường, thị trấn và tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài chính trước ngày 10/3.

Quản lý tiền công đức trên cả nước: Sẽ minh bạch quản lý, thu chi ảnh 1

Người dân ghi phiếu tiền công đức tại Đền Trần (Nam Định). Ảnh: QN

Theo thông tin của PV Tiền Phong, hiện nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch kiểm tra tiền công đức. Tháng 11/2023, UBND tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng quyết định, kế hoạch kiểm tra quản lý tiền công đức và tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa. Tháng 12/2023, UBND tỉnh Bình Định cũng có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức.

Hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong số đó, có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cả nước có gần 9.000 lễ hội, gồm lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo và lễ hội lịch sử.

Kế hoạch kiểm tra tiền công đức của các địa phương nêu rõ: Đối tượng kiểm tra là di tích lịch sử văn hóa đã có bằng xếp hạng di tích hoặc danh mục kiểm kê di tích theo Luật Di sản. Kiểm tra tập trung vào việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích hoạt động lễ hội và việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, giám sát tiếp việc kiểm đếm, sử dụng tiền công đức.

Việc kiểm tra giúp tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 31/3, các tỉnh, thành sẽ phải gửi báo cáo. Đầu tháng 4/2023, Bộ Tài chính sẽ công bố thông tin. Đoàn liên ngành kiểm tra phối hợp với các sở như tài chính, văn hóa thể thao du lịch; tùy theo từng địa phương có thể giao sở tài chính hoặc cơ quan thanh tra chủ trì việc kiểm tra.

“Theo phân cấp tại các tỉnh, thành phố, di tích lịch sử cấp tỉnh do UBND tỉnh quản lý và kiểm tra. Di tích còn lại chủ yếu do UBND cấp huyện quản lý và kiểm tra. UBND huyện tổng hợp số liệu, gửi sở tài chính tổng hợp, trình lãnh đạo UBND tỉnh ký, báo cáo Bộ Tài chính”, đại diện Vụ Hành chính sự nghiệp cho biết.

Ngăn bất cập trong tiếp nhận, quản lý tiền công đức

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, ở một số di tích, đền chùa lớn trên cả nước, vào mùa lễ hội, số bàn công đức được đặt nhiều hơn so với thường ngày. Tiêu biểu như tại Đền Trần (Nam Định), ngày 16/2, tại khuôn viên đền, từ cổng chính vào có tới 4 chiếc bàn công đức đặt phía ngoài sân. Bên hiên đền, trong khuôn viên đền có thêm bàn công đức. Trong khi đó, vào ngày bình thường, không phải cao điểm khai hội, bàn ghi công đức chỉ đặt phía trong đền. Tại mỗi chân bàn thờ đều có hòm đựng tiền giọt dầu, đèn nhang.

Chị Lê Thuỳ Dung (Hà Nội) một du khách du xuân tại Đền Trần cho biết, khi cùng gia đình đi lễ cầu may, ngoài mâm lễ dâng hương, chị thường bỏ tiền giọt dầu và ghi công đức.

“Tôi bỏ tiền giọt dầu và ghi công đức với mong muốn đóng góp để ban quản lý tu bổ, coi sóc di tích tốt hơn. Vì vậy, tôi rất ủng hộ việc công khai báo cáo sử dụng tiền công đức. Việc này giúp tôi yên tâm, tin tưởng số tiền công đức được sử dụng đúng mục đích”, chị Dung chia sẻ.

Liên quan việc thu, chi, gần đây, một số địa phương thanh tra, chỉ ra bất cập của việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức. Kết luận thanh tra của UBND Hà Tĩnh chỉ ra nhiều bất cập ở đền Chợ Củi (Nghi Hồng, Nghi Xuân) trong việc giao khoán tiền công đức cho thủ nhang. Sau thanh tra, gia đình thủ nhang Đền Củi nộp lại 2,5 tỷ đồng tiền công đức năm 2023 và giao chìa khóa hòm công đức, chìa khóa Cung đức Thánh mẫu và các cung còn lại của nội tự để Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân tiếp nhận, quản lý.

Trước đó, Quảng Ninh thí điểm kiểm tra tiền công đức. Tổng số thu tiền công đức, tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm 2023 dự kiến trên 180 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc địa phương trên cả nước đốc thúc báo cáo tiền công đức là tín hiệu mừng. Công khai, minh bạch thu chi nguồn tiền công đức giúp người nhận tiền thoải mái, người cung tiến cũng cảm thấy yên tâm.

“Lâu nay, việc quản lý tiền công đức phát sinh bất cập. Quy định kiểm kê tiền công đức đã có, đến nay, địa phương vào cuộc kiểm kê báo cáo sẽ giúp minh bạch nguồn tiền, tạo thêm niềm tin cho người dân”, ông Long nhận định.

MỚI - NÓNG