> Hình thể mới - tham vọng đổi mới nghệ thuật điêu khắc
“Bình phong” của Nguyễn Huy Tính. |
“New Form” là triển lãm thể nghiệm điêu khắc đương đại, quy tụ tác phẩm của 8 nhà điêu khắc đang sống và làm việc tại Hà Nội. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm cùng chung một mục đích là vượt qua khuôn mẫu tạo hình của điêu khắc truyền thống, gợi mở những hướng tư duy mới trong sáng tạo loại hình nghệ thuật này. Triển lãm tổ chức tại Vietnam Sculpture Gallery đến 6/12.
Ánh sáng cũng là chất liệu
Bên cạnh những vật liệu mang tính bền vững đã thành truyền thống như gỗ, đá, đồng,... triển lãm chứng kiến sự xâm nhập của các vật liệu gắn với đời sống sinh hoạt thường ngày, thậm chí cả vật liệu phế thải: dây đay, nhựa, túi nilon, đèn điện, thủy tinh, vật liệu xây dựng, giấy tái chế,...
“Những cái kén” của Khổng Đỗ Tuyền được tạo nên từ ba loại vật liệu: dây đay, đồng, sắt. Thái Nhật Minh sử dụng giấy báo cũ, dây thép, keo, mầu nước để có được “Những con mèo”. “Kết hợp 7” của Phạm Bảo Sơn là sự kết hợp của gỗ, thủy tinh, composite, đèn led. Đa dạng hóa chất liệu mang đến hiệu quả bề mặt, người xem không khó để nhận ra những hình thái đặc-rỗng cùng hiện diện trong một thực thể như “Kết hợp 7” (Phạm Bảo Sơn), “Bình phong” (Nguyễn Huy Tính), “Phong cảnh số 1”, “Phong cảnh số 2” (Lê Lạng Lương), hay sự kết hợp giữa gỗ, composite, bạc và ray sắt trượt trong “Hình thể 1”, “Hình thể 2”, “Hình thể 3” của Nguyễn Hữu Thái tạo nên tính chuyển động của khối hình.
Một sắp đặt giữa hình thể người và cây của Phạm Thái Bình. |
Một điểm thú vị khác là các nhà điêu khắc trong “New Form” sử dụng ánh sáng- thứ không nắm bắt được - như một vật liệu. Ánh sáng trở thành thành tố quan trọng góp phần tạo nên chỉnh thể nghệ thuật.
Phạm Bảo Sơn cho biết, ánh sáng được anh vận dụng nhằm tăng cường tính chất của hình khối. Khổng Đỗ Tuyền khẳng định anh vận dụng ánh sáng để tăng tính cảm thụ của tác phẩm. “12m thẳng đứng” của Trần Trọng Tri là sự kết hợp giữa ánh sáng tự nhiên của giếng trời và nguồn sáng nhân tạo được phát ra từ các khối trứng trong tác phẩm.
Không chỉ thể nghiệm sự đa dạng vật liệu trong một hình khối, các tác phẩm còn thể nghiệm ý đồ không gian mới đối với điêu khắc. Ba tầng triển lãm của Vietnam Sculpture Gallery hiếm hoi các bục, bệ và không có sự bố trí không gian nhân tạo xung quanh tác phẩm như thường thấy trong điêu khắc truyền thống, thay vào đó tác phẩm gắn liền với kiến trúc của không gian bày đặt.
“Những cái kén” của Khổng Đỗ Tuyền gồm 50 khối có dạng hình kén với nhiều kích thước khác nhau được treo theo chiều thẳng đứng trong không gian trưng bày từ trần tới sàn nhà.
Anh nói về sự chiếm lĩnh không gian của tác phẩm:” Khối điêu khắc phát triển theo chiều thẳng đứng, lửng lơ giữa không gian, tuy nhiên, giữa các khối vẫn có sự liên hệ qua lại để tạo nên hình thái chung của tác phẩm”.
Thái Nhật Minh bày đặt tác phẩm theo tuyến dọc của không gian, bắt đầu từ trần đến tường và kết thúc ở sàn. Cột thép cao 12m của Trần Trọng Tri dường như cũng chỉ phô bày trọn vẹn ý đồ nghệ thuật khi được lắp đặt trong không gian cầu thang của ngôi nhà.
Đối thoại từ tác phẩm
Tạo những hình thể mới trên cơ sở thể nghiệm vật liệu và không gian, các nhà điêu khắc của dự án New Form cho thấy sự định hình và phát triển của một trình tự tư duy nghệ thuật trong việc tạo hình tác phẩm điêu khắc: Chú trọng đến không gian đặt để, chất liệu tác phẩm rồi mới tư duy đến bố cục và thủ pháp thực hiện, thay vì một trình tự tư duy ngược lại (hiện được coi là truyền thống) vẫn đang tồn tại ở nhiều nhà điêu khắc Việt Nam.
Coi ánh sáng, các vật liệu gắn với đời sống hằng ngày như một chất liệu, gắn liền tác phẩm với kiến trúc của không gian bày đặt, New Form thể hiện mong muốn đưa nghệ thuật ba chiều đến gần hơn với công chúng, nối liền nghệ thuật với cuộc sống. Có lẽ vì thế mà triển lãm thu hút một lượng không nhỏ khán giả tới xem, trong đó có nhiều người là dân ngoại đạo.
Lưu Thị Thủy (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) cho biết: “Từ ý tưởng đến tác phẩm đều tạo cho mình cảm giác gần gũi. Các tác phẩm không cao siêu, kì quặc và khó hiểu như mình nghĩ trước đó”. Chị Đinh Thị Thu Huyền, nhân viên đồ họa tại Hà Nội nói:” Giống như chàng trai gặp một cô gái đẹp, ấn tượng với vẻ đẹp, anh ta muốn làm quen, tìm hiểu thêm về cô gái. Các tác phẩm điêu khắc ở đây mang đến cho tôi cảm xúc y như vậy.”
Hình tượng những cái kén chất chứa suy tưởng của Khổng Đỗ Tuyền về quy luật và bản chất của bể đời, ấy là cái vòng tuần hoàn bất tận của cuộc sống với đầy đủ đau khổ và hoan lạc trần thế. Nguyễn Huy Tính phơi bày thực trạng xã hội hiện đại dư thừa về vật chất thông qua hình tượng những người béo.
Bộ ba tác phẩm: “Đợi bố về”, “Cha xin lỗi, con yêu”, “Tâm trạng xấu”, Phạm Thái Bình thể hiện tinh tế những cảm nhận về cá nhân, thân phận con người trong các mối quan hệ phức tạp của xã hội qua ngôn ngữ của hình và khối. Phạm Bảo Sơn điêu khắc hóa những thứ không định hình: gió, mưa, nước,...nhằm tái hiện phong cảnh mưa lung linh và huyền ảo trên đường phố Hà Nội thông qua lăng kính của hình khối điêu khắc hiện đại,...