Khập khiễng giá cước

Khập khiễng giá cước
TP - Giá xăng dầu cứ giảm, còn giá cước vận tải cứ neo cao. Bị nói là chây ì, doanh nghiệp vẫn không chịu giảm giá cước vì lợi nhuận mà họ đang được hưởng và điều quan trọng hơn là dường như chẳng ai, chẳng cơ quan nào làm gì được họ.

Thật ngược đời khi trong nền kinh tế được xem là đang vận hành theo cơ chế thị trường (dù có định hướng) mà các cơ quan nhà nước lại phải hô hào các hiệp hội doanh nghiệp  “đẩy mạnh hơn nữa vai trò, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động” để doanh nghiệp thành viên chịu giảm cước “đảm bảo quy luật thị trường”, “phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu”. Nhưng với tình hình chây ì kéo dài như đã biết, liệu các biện pháp vận động, tuyên truyền có phát huy tác dụng và nếu các doanh nghiệp vẫn không chịu hưởng ứng lời kêu gọi thì sao?

Cũng cần phải nói thêm rằng, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt. Cho dù chịu tác động từ việc lên xuống giá của thị trường thế giới, nước ta vẫn duy trì quỹ bình ổn và Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu. Nguyên tắc điều chỉnh giá là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nhưng trong khi giá xăng dầu đã được giảm nhiều lần, giá cước vẫn không có cách nào kéo giảm bởi một điều rõ ràng: về thị trường xăng dầu, cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ công cụ, đủ hiệu lực để kiểm soát. Nhưng với thị trường dịch vụ vận tải, những công cụ đó đang thiếu: đó chính là cơ chế kiểm soát giá cước, chế tài xử lý khi các doanh nghiệp cố tình chây ì nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Không thể nói là giá cước được vận hành theo cơ chế thị trường bởi nó liên quan chặt chẽ đến mặt hàng chiến lược, cho dù có yếu tố thị trường, nhưng Nhà nước “định hướng”, điều hành. Như vậy, thị trường xăng dầu và giá cước vận tải đã không được điều hành liên thông, hài hòa.

Đó là chưa kể trong những lần vận động doanh nghiệp giảm giá cước, những cơ quan sốt sắng nhất đều ở tầm “vĩ mô”, trong khi các hiệp hội và đặc biệt là các sở ngành địa phương trực tiếp quản lý doanh nghiệp dường như không mấy tích cực kiểm soát giá cước vận tải. Có nguyên nhân là hệ thống văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa được hoàn thiện và chưa thực sự là công cụ chế tài các doanh nghiệp. Nhưng không thể chỉ dựa vào những lời kêu gọi, vận động vốn không phải là công cụ quản lý. Và nếu có tồn tại những nhóm lợi ích thì một số cơ quan cũng khó có khả năng “chỉ mặt, đặt tên” bởi chính họ cũng chưa làm tròn nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG