Doanh nghiệp chây ì giảm giá cước vận tải: Cơ quan nào được phạt?

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng sẽ xử phạt doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng sẽ xử phạt doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 9/9, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn trao đổi với PV Tiền Phong về việc cơ quan nào có thẩm quyền giám sát và xử phạt doanh nghiệp vận tải chỉ muốn tăng giá cước trong bối cảnh giá xăng dầu giảm sâu.

Đã phân công nhưng không chịu làm

Quan điểm của Bộ Tài chính về xử lý  doanh nghiệp (DN) chây ì giảm giá cước thế nào, thưa ông?

Trong Thông tư Liên tịch số 152 (2014) của Bộ Tài chính và Bộ GTVT, giá cước vận tải bằng ô tô do DN vận tải tự quy định và niêm yết giá, kê khai giá cước với Sở GTVT hoặc sở tài chính hoặc UBND cấp huyện theo sự phân công của UBND tỉnh.

Trường hợp DN chưa giảm giá cước, các cơ quan kể trên cần rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Căn cứ chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai liền kề để yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay. Đặc biệt, những đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã kê khai tăng giá tại thời điểm giá xăng, dầu tăng trong những tháng đầu năm 2015 phải xem xét giảm ngay. 

Trường hợp những đơn vị này cố tình chây ì không giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.

Doanh nghiệp chây ì giảm giá cước vận tải: Cơ quan nào được phạt? ảnh 1

Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn.

Có ý kiến cho rằng, thông tư này tỏ ra bất cập, như: Không quy định lúc nào tăng, lúc nào được giảm; không quy định tỷ lệ nhiên liệu chiếm bao nhiêu % trong giá thành vận tải?

Chi phí nhiên liệu là một trong các chi phí cấu thành giá thành vận tải, còn lại các chi phí khác như khấu hao, nhân công, bến bãi... tỷ lệ cơ cấu các khoản chi phí trong giá thành phụ thuộc vào quy mô của từng đơn vị, loại hình vận tải, loại xe... Do đó, liên bộ không quy định cụ thể tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong thông tư. Vì thế, giá cước vận tải bằng ô tô, do DN vận tải tự quy định và kê khai giá cước, niêm yết giá theo quy định.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị điều chỉnh giá cước linh hoạt, phù hợp thị trường, thông tư liên tịch đã quy định trong trường hợp tăng, giảm giá so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó thì chỉ trong mức 3%. Đơn vị không phải thực hiện kê khai lại mà chỉ phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.

Doanh nghiệp chây ì giảm giá cước vận tải: Cơ quan nào được phạt? ảnh 2

Các cơ quan chức năng địa phương có đủ thẩm quyền phạt doanh nghiệp chây ì giảm giá cước. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Sẽ bêu tên

Xin ông nói rõ hơn về việc xử lý ra sao với DN vẫn cố tình chây ì bất chấp cơ quan nhà nước yêu cầu giảm giá?

Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý và kiểm tra giá trên địa bàn, rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Việc kiểm tra căn cứ vào mức chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai liền kề, từ đó xem xét có văn bản yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước vận tải phù hợp xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay.

Trường hợp không kê khai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền,  đơn vị sẽ bị xử lý theo Nghị định số 109 (2013) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá… và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.

Cảm ơn ông.

Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai giá sai so với mẫu văn bản kê khai giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng các mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định khi đăng ký giá không đúng với hướng dẫn về phương pháp tính giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ tiền chênh lệch giá do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này do đăng ký giá không đúng với hướng dẫn về phương pháp định giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

                (Trích Nghị định 109 ngày 24/9/2013 của Chính phủ)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.