Khánh Hòa hỗ trợ cho khoảng 50 nghìn người dân biết nói tiếng Anh

0:00 / 0:00
0:00
Dự án “Người dân Khánh Hoà nói tiếng Anh” trong năm đầu tiên sẽ hỗ trợ cho khoảng 50 nghìn người dân địa phương này giao tiếp tiếng Anh với du khách người nước ngoài.

Ngày 9/1, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Vingroup khởi động dự án “Người dân Khánh Hoà nói tiếng Anh”. Dự án được kỳ vọng góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, với định hướng trở thành đô thị du lịch thông minh, bền vững, bản sắc, mang tầm cỡ châu lục. Đây là dự án do UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì; Tỉnh Đoàn Khánh Hòa đóng vai trò điều phối, thành lập ban chỉ đạo, quản lý và truyền thông và Tập đoàn Vingroup là đơn vị tài trợ kinh phí, kết nối triển khai.

Khánh Hòa hỗ trợ cho khoảng 50 nghìn người dân biết nói tiếng Anh ảnh 1

Họp báo khởi động dự án "Người dân Khánh Hoà nói tiếng Anh". Ảnh M.N

Dự án dự kiến kéo dài trong 5 năm với mục tiêu giúp cho người dân địa phương có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản, thúc đẩy phong trào nói tiếng Anh đi vào cuộc sống và phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh. Trong tương lai không xa, đại bộ phận người dân Khánh Hòa sẽ có thể tự tin giao tiếp với các du khách nước ngoài, chủ động tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa và thương mại.

Sự khác biệt của dự án là lấy người dân làm trọng tâm, tập trung vào kỹ năng nói và thực hiện chủ yếu bằng lực lượng tình nguyện viên. Bên cạnh giảng viên, giáo viên tiếng Anh, lực lượng tình nguyện viên sẽ tập trung vào việc hướng dẫn thực hành giao tiếp, tạo ra môi trường và phong trào nói tiếng Anh để người dân chủ động tham gia. Dự án được kỳ vọng tạo ra tác động sâu rộng đối với kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân tỉnh Khánh Hòa

Để thực hiện, dự án sẽ thành lập các câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh tới từng phường/xã và xây dựng ứng dụng học tập trực tuyến Mobile App dành cho 5 nhóm đối tượng chính gồm: Học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên chức, tiểu thương, người lao động và doanh nghiệp. Chương trình bước đầu được thí điểm tại TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm, sau đó sẽ mở rộng ra quy mô toàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Trong năm đầu tiên, dự án kỳ vọng sẽ giúp 50.000 người dân tiếp cận và sử dụng Mobile App học tiếng Anh. Đồng thời, tuyển 500 tình nguyện viên tham gia giảng dạy và sinh hoạt tại 150 CLB tiếng Anh.

Dự án đã nghiên cứu để lựa chọn những giáo trình phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Với nhóm đã biết tiếng Anh ở một mức độ nhất định, dự án đưa vào sử dụng giáo trình Picture Dictionary của The Heinle (nhà xuất bản National Geographic Learning). Giáo trình này gồm các minh họa bằng hình ảnh sinh động và sắc nét, kèm theo audio để học viên luyện nói với các chủ đề thông dụng trong cuộc sống: gia đình, thời tiết, sức khỏe, công việc, ẩm thực, giao thông... Với nhóm đối tượng hoàn toàn chưa biết tiếng Anh đang làm các nghề như tài xế taxi, chủ quán cafe nhỏ, chủ shop đồ lưu niệm, tiểu thương tại các khu chợ… dự án thiết kế may đo một bộ tài liệu đơn giản, thiết thực, bao gồm các câu hội thoại Anh ngữ thông dụng nhất trong cuộc sống và công việc kinh doanh.

Theo đó, trường Đại học VinUni (thuộc Vingroup) chịu trách nhiệm nội dung về giáo trình, xây dựng năng lực tình nguyện viên và lực lượng nòng cốt cho toàn bộ dự án… Trường đã ký kết hợp tác với trường Đại học Nha Trang và trường Đại học Khánh Hòa nhằm thành lập các CLB tiếng Anh, tuyển đội ngũ tình nguyện viên tại trường làm lực lượng đồng hành cùng Ban quản lý dự án trong các hoạt động dạy học tiếng Anh và triển khai các hoạt động, sự kiện lớn.

Thông tin chính thức của chương trình “Người dân Khánh Hoà nói tiếng Anh” được đăng trên website: https://www.khanhhoa.noitienganh.org và trên fanpage: Người dân Khánh Hòa nói Tiếng Anh: https://www.facebook.com/nguoidankhanhhoatienganh.

MỚI - NÓNG
'Làm lụng bao năm nhưng chỉ một trận lũ là trắng tay'
'Làm lụng bao năm nhưng chỉ một trận lũ là trắng tay'
TPO - Mưa kéo dài trên diện rộng đã khiến mực nước sông Cầu, sông Cà Lồ lên cao gây ngập lụt nhiều thôn, xóm ven sông trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến trưa 12/9 nhiều thôn ở xã Việt Long vẫn chìm trong biển nước, có người dân ngậm ngùi chia sẻ: "Làm lụng, tích họp nhiều năm nhưng chỉ cần một trận lũ về là trắng tay"