Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương

TPO - Tại tỉnh Bình Dương có một số công trình cổ được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Trong đó phải kể đến các ngôi nhà và khu mộ cổ của dòng họ Trần, được đánh giá là giàu nhất thời bấy giờ.
Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 1

Do các tư liệu lịch sử không còn, ngày nay người dân địa phương không biết chính xác ngôi mộ cổ của gia tộc họ Trần ở Bình Dương được hình thành khi nào. Những gì còn lại cho thấy khu mộ là một quần thể kiến trúc kiểu phong kiến được xây dựng công phu. Một số nguồn tin cho rằng, khu mộ ông Trần Văn Lân (một người giàu nhất tỉnh Thủ Dầu Một xưa, nay là tỉnh Bình Dương).

Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 2

Trên một ngọn đồi thấp tại KP 5 (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), khu mộ cổ được phủ kín bởi những cây cổ thụ. Chỉ người dân địa phương mới biết khu mộ là của ai vì cổng vào khu mộ không có tên.

Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 3

Từ ngoài nhìn vào, khu mộ khiến người ta có cảm giác sợ hãi bởi sự hoang vắng, âm u. Tuy nhiên, bên trong là một tuyệt tác bởi kiến trúc xưa để lại. Một lối kiến trúc độc đáo và những tàn tích còn sót lại từ hàng trăm năm, khu mộ cổ này làm cho ai đến cũng thấy tò mò.

Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 4

Theo các tài liệu ghi chép lại, ông Trần Văn Lân là người sinh thời theo nghề buôn gỗ, từng có nhiều trại cưa nằm ven sông Sài Gòn cũng như ở vùng rừng núi thượng nguồn dòng sông này ở phía biên giới giáp với Campuchia. Không chỉ là một thương nhân lừng danh, các con ông Trần Văn Lân cũng rất thành đạt.

Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 5

Trong đó, phải kể đến ông Trần Văn Hổ (con ông Lân) là một Đốc phủ, một chức quan khá lớn lúc bấy giờ. Những người con khác của ông Lân gồm Trần Văn Tề, Trần Công Vị (bác sĩ) và tiến sĩ Trần Văn Trai. Ông Lân còn có người con trai tên là Trần Công Vàng - một nha sĩ danh tiếng, làm rạng danh dòng họ khi bỏ tiền xây hàng chục khu dinh thự nhà họ Trần nằm rải rác nhiều nơi ở vùng đất này.

Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 6

Nhà cổ Trần Văn Hổ nằm trên đường Bạch Đằng (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) xây dựng năm Canh Dần 1890 với lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “Đinh”, tổng diện tích xây dựng 200m2. Ngôi nhà cổ xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái gồm 36 cột tròn, 6 hàng cột tròn từ trước ra sau, mỗi hàng là 6 cột được kê toàn bộ trên đá tảng, nền lát gạch tàu.

Theo lời kể lại của ông Mai Văn Tới (85 tuổi), người quản lý ngôi nhà, trước đây nhà có diện tích rất rộng, bao gồm nhiều hạng mục. Thế nhưng, trải qua hai cuộc chiến tranh một số công trình xung quanh đã bị phá bỏ. Để xây dựng ngôi nhà, gia chủ đã thuê hơn 300 thợ từ Cố đô Huế vào Bình Dương để xây và kéo dài trong 3 năm liền. Sở dĩ ngôi nhà nằm kế và hướng ra sông Sài Gòn vì chủ nhà là ông chủ của xưởng đóng tàu lớn nhất Bình Dương lúc bấy giờ. Đặc biệt, ngôi nhà không cho phép phụ nữ bước vào dù đó là con hay cháu của gia chủ.

Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 7

Nhà cổ Trần Công Vàng nằm phía sau lưng nhà cổ Trần Văn Hổ, xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ đinh nghịch trên khu đất 1.333 m2, diện tích nhà 323 m2, hoàn thành năm 1892. Phần trang trí bên trong ngôi được chạm khắc công phu, từ chân cột đến mái nhà, bàn ghế tủ ghế, trang thờ các khung cửa các ô lồng… hoành phi, liễn, đối, những bức tranh tứ bình, những tấm thủ quyển… tất cả đều chạm trổ, sơn thếp cẩn xà cừ công phu khéo léo, làm cho ngôi nhà tráng lệ mà trang nghiêm.

Khám phá lăng mộ, nhà cổ của dòng họ bề thế nhất nhì ở Bình Dương ảnh 8

Những căn nhà cổ của dòng họ Trần tại Bình Dương hiện nay đều được công nhận di tích cấp quốc gia. Ngoài ra còn có 3 nhà cổ của những họ khác được công nhận di tích cấp tỉnh gồm: Nhà cổ Nguyễn Tri Quan tại khu phố 1 (phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một), xây dựng năm 1890; Nhà cổ Đỗ Cao Thứa tại cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên), xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, lối kiến trúc chữ Đinh; Nhà cổ Dương Văn Hổ ở ấp Điều Hòa (xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên), xây dựng trong vòng 4 năm (từ năm 1911-1914); Nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng trên một gò đất cao, gần sông Đồng Nai. Tổng diện tích của di tích hơn 2.935m2. Những ngôi nhà này được thiết kế gần giống nhau với nhiều loại gỗ quý.

Chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, những ngôi nhà cổ, mộ cổ trên địa bàn do người thân của chủ sở hữu quản lý, trông coi. Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí khi có trùng tu, sửa chữa những công trình trên.

MỚI - NÓNG