Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong căn nhà của mình, ông Nguyễn Tiến Bình (66 tuổi, ngụ ở phường Mỹ Phước, TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương) dành 2 phòng để trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm báo chí qua nhiều thời kỳ, trong đó có báo Tiền Phong. Theo ông Bình, tờ báo thể hiện những thông tin lịch sử, không có loại hình nào thuyết phục hơn.

Người giữ lửa cho nền báo chí cách mạng

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi được người dân địa phương giới thiệu đến ông Nguyễn Tiến Bình, người biến ngôi nhà của mình thành “bảo tàng” báo chí. Đến nơi và được tận mắt chứng kiến, người viết ngỡ ngàng với bộ sưu tầm các tác phẩm báo chí qua nhiều thời kỳ, trong đó có những trang báo hiện nay chỉ có ở “bảo tàng” nhà ông Bình.

Các tác phẩm báo chí được ông Bình bố trí theo trình tự thời gian. Trong bộ sưu tầm ấy có tờ báo đầu tiên của Việt Nam là tờ Gia Định Báo. Ông Bình còn lưu trữ các tờ báo tiêu biểu của ba miền. Ở miền Bắc có tờ Đăng Cổ Tùng Báo (xuất bản 1907); ở miền Trung có tờ Tiếng Dân (xuất bản 1919); ở miền Nam có tờ Lục Tỉnh Tân Văn (1907).

“Tôi cất công đi sưu tầm với ý niệm làm sao hệ thống lại các sự kiện lịch sử liên quan đến tiến trình cách mạng theo trình tự thời gian, được bắt đầu khi chúng ta có Đảng Cộng sản. Nội dung các bài báo theo từng cột mốc sự kiện như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách mạng Tháng Tám, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, toàn quốc kháng chiến, đến những tờ báo viết về Điện Biên Phủ và chuỗi ngày kháng chiến chống Mỹ khốc liệt và một loạt những bài báo ghi diễn biến các trận đánh để giành chiến thắng ngày 30/4/1975”, ông Bình cho biết.

Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên ảnh 1

Tờ báo Tiền Phong được ông Bình lưu giữ.

Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên ảnh 2

Các tác phẩm báo chí được đăng trên báo Tiền Phong những năm đầu tiên

Trong bộ sưu tầm ấy, chúng tôi cũng tìm thấy có những tờ báo Tiền Phong được ông Bình cất giữ cẩn thận. Trong đó có tác phẩm “Trên tiền tuyến xây dựng chủ nghĩa xã hội”, số 331, ra ngày 11/10/1958; tác phẩm “Những chiến sĩ trẻ tuổi miền Nam trên đất Bắc", số 284, ra ngày 30/4/1958...

Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên ảnh 3

Những tờ báo đời đầu của Việt Nam được ông Bình lưu giữ.

Theo ông Bình, một con người không quan tâm tới lịch sử thì khó có lòng yêu nước. Khi hiểu được có sự đánh đổi mồ hôi, xương máu, tính mạng của những người lính, thế hệ trước để có hôm nay, chúng ta sẽ trân quý và bảo vệ thành quả ấy. “Tất cả những gì tôi làm là để giới trẻ thấy được giá trị lịch sử, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước. Tôi nghĩ rằng, nhiều hạt cát sẽ tạo nên một sa mạc”, ông Bình nói về ý nghĩa của việc lưu giữ giá trị lịch sử được thể hiện trên những trang báo.

Báo in trường tồn theo năm tháng

Nói về báo in, ông Bình khẳng định: “Tờ báo như những nhật ký chứng từ, là cơ sở đáng tin cậy nhất để chứng minh tiến trình lịch sử mà các loại hình khác không toát lên được hoặc không thể thuyết phục người đọc hơn".

Chúng tôi rất thú vị khi nhìn thấy tờ báo Vì Nước phát hành vào năm 1946. Mặt trước tờ báo ghi nhận cuộc kháng chiến của người dân Nam Bộ, mặt sau là một biểu ngữ truyền đơn mang thông điệp tích cực đến bạn đọc.

Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên ảnh 4

Tờ báo Vì Nước có nội dung truyển tải thông tin thú vị.

Tờ báo cũng truyền tải một thông điệp rất thú vị: "Xem xong rồi, lấy một ít bánh phở, một ít bún, một tí hồ phết lên 4 góc tờ báo mang dán lên trên tường, thân cây, trước cửa, ngoài xe điện, xe hơi... Vứt báo này đi, bạn đã phạm một lỗi rất đáng tiếc, làm mất tiếng nói cương quyết của người dân Việt, đừng đang tâm mang gói hàng, gấp lại bỏ túi hoặc cất đi".

Trong bộ sưu tầm báo chí của ông Bình, hầu như có đầy đủ các ấn phẩm báo Xuân từ thời trang bìa được trình bày hình vẽ, đến lúc sử dụng hình ảnh máy cơ. Theo ông Bình, dù công nghệ, mạng xã hội phát triển tới đâu, báo in vẫn phải tồn tại. Cho dù báo điện tử giúp bạn đọc thụ hưởng thông tin nhanh, nhưng để nội dung tác phẩm đọng lại trong lòng chỉ có báo in mới làm được điều này. “Đọc báo điện tử quên rất nhanh, nhưng nội dung trong báo in tôi nhớ từng câu chữ”- ông Bình nói.

Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên ảnh 5

Trong thời kỳ chiến tranh, trang cuối tờ báo được ghi biểu ngữ để tuyên truyền.

Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên ảnh 6

Ông Bình chia sẻ về những cột mốc lịch sử được thể hiện trên những trang báo.

Không chỉ sưu tầm báo, ông Bình còn khiến chúng tôi ngạc nhiên khi biết rõ người đứng đầu của các tờ báo cách mạng Việt Nam. Ngay cả việc báo Tiền Phong vừa có tân tổng biên tập, ông Bình cũng theo dõi và gửi lời chúc mừng khi tiếp phóng viên.

Ngoài các trang báo, ông Nguyễn Tiến Bình còn sưu tầm rất nhiều loại truyền đơn cách mạng, tiền Cụ Hồ thời kháng chiến, Tạp chí Cộng sản thời kỳ đầu, các điều lệ Đảng, Đoàn, Hội... thời kỳ kháng chiến. Để có được bộ sưu tập quý hiếm như bây giờ, ông Bình đã dành không ít tâm huyết và thời gian.

Năm 1978, ông Bình lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia và hiện là cựu chiến binh thuộc phường Mỹ Phước (TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

MỚI - NÓNG