Về một nhà báo đi qua hai cuộc chiến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông đã viết hàng nghìn tác phẩm báo chí, nhưng những ngày chập chững vào nghề vẫn luôn là ký ức không thể nào mờ phai trong tâm trí nhà báo Nguyễn Thế Viên (SN 1930, trú xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Ở cái tuổi thượng thọ, ông vẫn cầm máy ảnh đi khắp nơi và say viết, hồi hộp chờ đợi từng “đứa con tinh thần” của mình.

Những ngày bám trận địa viết báo

20 tuổi, chàng trai Nguyễn Thế Viên tình nguyện đi thanh niên xung phong, thực hiện nhiệm vụ rà, phá bom mìn trên các tuyến đường huyết mạch ở Sơn La để quân đội ta tiến vào Điện Biên Phủ. Năm 1953, ông được bổ sung vào quân đội và tham gia chiến đấu. Lúc này, chiến sự ở Điện Biên Phủ có nhiều biến chuyển ác liệt, ông vừa cầm súng chiến đấu, vừa viết tin, bài. “Từ hồi ở đoàn dân công, tôi đã tập tành viết bài, đưa tin về hoạt động của đơn vị. Chiến dịch nổ ra, tôi và một số đồng chí được phân công đi theo các đại đoàn để kịp thời đưa tin về cuộc chiến đấu của quân ta. Không máy ảnh, không máy ghi âm, phương tiện tác nghiệp của chúng tôi lúc đó chỉ là cuốn sổ tay, cây bút chì và trí nhớ của mình. Ban ngày đi với các đơn vị chiến đấu, ban đêm dưới ánh sáng đèn dầu leo lét ngồi viết bài”, nhà báo Nguyễn Thế Viên nhớ lại.

Về một nhà báo đi qua hai cuộc chiến ảnh 1

Nhà báo Nguyễn Thế Viên bên những kỷ vật thời chiến

Tác phẩm đầu tiên của ông Viên được đăng ở Tờ tin mặt trận của Đại đoàn 312 là tin về đội công binh phá thác trên sông Nậm Na, mở đường vận chuyển các vũ khí hạng nặng từ hậu cứ ra chiến trường. Một mẩu tin nhỏ nhưng đã khiến anh phóng viên vui đến không ngủ. 56 ngày đêm lăn lộn bám trận địa đưa tin, ông Viên cũng không nhớ rõ đã viết được bao nhiêu tin, bài. Nhưng những trận đánh ông có mặt để ghi lại một cách chân thực nhất thực tế chiến đấu vẫn nguyên vẹn trong ký ức. “Lần đơn vị phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La), quân Pháp thả 60 quả bom, có tới 20 quả bom chưa nổ. Lực lượng phá bom đã tìm và phá được 19 quả, một quả nằm sâu dưới đất nên không tìm thấy. Lúc sau, một tiếng nổ chát chúa vang lên, 14 đồng chí hy sinh tại chỗ. Bản thân tôi cũng bị bom vùi nhưng may mắn được cứu sống. Chứng kiến phút giây hy sinh của đồng đội, tôi đã viết ngay một bài tường thuật đăng trên Tờ tin mặt trận”, ông Viên kể.

“Ngày ấy, phóng viên chiến trường không khác một người lính là bao. Chỉ khác ở chỗ, trong khi bộ đội chiến đấu với kẻ thù thì chúng tôi súng khoác vai, tay giữ khư khư bút giấy, kịp thời ghi lại một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất về cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường đang diễn ra trước mắt”.

Cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Thế Viên

Cuộc chiến đấu ác liệt, tinh thần quả cảm, ngoan cường của bộ đội ta đã trở thành một kho tư liệu khổng lồ cho mỗi phóng viên. Tuy nhiên, viết cái gì, viết như thế nào để đạt được hiệu quả tuyên truyền lớn nhất khiến ông Viên đau đầu suy nghĩ. “Thời ấy, bút giấy khan hiếm lắm. Những tờ giấy đã viết được ngâm vào nước vôi trong để tẩy trắng rồi phơi khô để tái sử dụng. Những bài viết đăng ở Tờ tin mặt trận cũng được phát hành bằng một cách rất đặc biệt. Đó là những bài chép tay rồi chuyển ra ngay chiến hào để phục vụ bộ đội. Những hôm trời rét, chăn không có, chỉ có chiếc áo trấn thủ, chúng tôi lăn lộn khắp chiến trường để viết. Gian khổ không nói hết nhưng khi tác phẩm của mình được đón nhận là động lực lớn lao để chúng tôi khắc phục những khó khăn, hiểm nguy để tác nghiệp”, ông Viên kể.

Về một nhà báo đi qua hai cuộc chiến ảnh 2

Những tấm giấy giới thiệu được ông lưu giữ rất cẩn thận

Còn viết khi trái tim còn đập

Chính những ngày tháng ở Điện Biên Phủ đã cho Nguyễn Thế Viên những kinh nghiệm quý báu với nghề báo mặc dù chưa được đào tạo qua trường lớp chuyên ngành nào. Kết thúc chiến dịch, ông được cử đi đào tạo 18 tháng lớp Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành người viết báo thực thụ ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN). Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, ông Viên lại một lần nữa xông pha trận mạc với nhiệm vụ phóng viên chiến trường. Hỏi ông, rằng tác nghiệp ở chiến trường, có chút nào sợ hãi không? Cười thật tươi, ông đáp: “Sợ hãi là bản năng, sao lại không? Làm sao quên được những lần viết bài dưới ánh đèn leo lét, khi mà trên đầu, bên tai là ầm ào tiếng đạn bom. Nhưng hơn cả, mình ý thức được trách nhiệm lớn lao, vượt qua nỗi sợ hãi để làm tròn nhiệm vụ của người cầm bút. Lúc bấy giờ, sự sống và cái chết quá mong manh nhưng niềm tin về ngày mai chiến thắng vẫn kiên định”.

Về một nhà báo đi qua hai cuộc chiến ảnh 3

Cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Thế Viên chia sẻ về những ngày bám trận địa viết báo ở Điện Biên Phủ

Nghỉ hưu, là thương binh 2/4 nhưng ông Viên vẫn không ngừng lao động và sáng tạo. Ông về quê ngày đêm khai hoang, phục hóa vùng đồi hoang để làm kinh tế trang trại, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Làm kinh tế nhưng ông vẫn đều đặn làm thơ, viết báo, đăng trên các báo, tạp chí từ Trung ương tới địa phương với bút danh Trường Sơn. Căn nhà tình nghĩa do Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tặng được ông thiết kế làm “thư viện” với hơn 500 đầu sách, cùng hàng trăm tờ báo, tạp chí được sưu tầm, có cả những tập thơ, truyện do ông sáng tác và xuất bản.

Ở tuổi 94, tóc bạc, da mồi nhưng ông vẫn đi và say viết. Không sử dụng được máy tính, ông miệt mài viết bài ra trên giấy như hồi ở chiến trường rồi đóng vào bì thư, gửi tới một số tòa soạn và hồi hộp chờ đợi “đứa con tinh thần” của mình đến với độc giả. Vẫn nụ cười hiền mà hào sảng, ông tâm sự: “Nghề báo đã chọn tôi như một sự tình cờ của số phận, nhưng tình yêu, đam mê và bao trăn trở với nghề thì chính tôi đã tự chọn lấy cho mình. Tôi nghĩ là mình sẽ còn làm báo khi trái tim còn đập, chân còn đi, tay còn viết được… Các bạn trẻ ngày nay cũng hãy luôn giữ lửa nghề và không ngừng trau dồi kinh nghiệm, sự đam mê để luôn xứng đáng với 6 chữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Những ngày cuối tuần, các cháu học sinh vẫn thường ghé đọc sách dưới mái hiên nhà ông. Bạn bè văn chương, các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, bà con làng xóm cũng tới lui thường xuyên. Không chỉ đọc sách, báo miễn phí, ai có nhu cầu, ông đều cho mượn sách mang về. Việc làm của ông đã khơi dậy và cổ vũ văn hóa đọc tại địa phương.

MỚI - NÓNG