Khắc phục hậu quả

Khắc phục hậu quả
TP - Làm sai thì phải sửa sai, thu tiền “nhầm” thì phải trả lại, đó là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, trong khi người dân và các cơ quan chức năng liên tiếp yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước khi giá xăng giảm liên tiếp, thậm chí lên án, bêu tên những anh “chây ì”, không chịu giảm vài ngàn hay vài chục ngàn tiền cước, thì có những “ông lớn” kinh doanh xăng dầu đang “móc túi” người dân hàng trăm tỷ đồng/tháng. 

Cho dù Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có đổ qua đổ lại trách nhiệm trong việc áp thuế sai thì thực tế rõ ràng là tiền đã vào túi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng đã và đang chịu thiệt. Trách nhiệm của ai, cơ quan nào cũng là điều người dân quan tâm, nhưng điều người dân quan tâm hơn, mong muốn hơn là phải làm rõ cụ thể các công ty xăng dầu đã “móc túi” của mình tổng cộng bao nhiêu tiền, và trắng đen đã rõ ràng thì tiền bị móc túi được trả lại ra sao. Cơ quan chức năng xử sai vụ Nguyễn Thanh Chấn đã phải đền tiền cho người phải ngồi tù oan 10 năm hơn 7 tỷ đồng. Nhưng với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng chênh lệch từ thuế xăng dầu bị áp sai, người tiêu dùng sẽ được đền bù hay không và việc này sẽ được thực thi ra sao?

Về mặt nguyên tắc, thu sai thì phải trả lại. Cho dù điều này chưa có tiền lệ và ngay cả các chuyên gia cũng đang lúng túng trước câu hỏi “trả lại tiền cho người tiêu dùng bằng cách nào”, thì việc “khắc phục hậu quả”, đền bù vẫn cần được thực hiện để đảm bảo mọi quan hệ giữa tổ chức với tổ chức, tổ chức với cá nhân… đều bình đẳng và đáp ứng yêu cầu của một xã hội văn minh. Dù không thể xác định được cụ thể từng khách hàng mua xăng dầu bị móc túi bao nhiêu tiền, dù có khắc phục hậu quả bằng cách nào đi nữa thì người tiêu dùng vẫn chịu thiệt. Tuy nhiên, sự cần thiết phải thực thi việc đền bù, có thể thông qua việc giảm giá xăng trong một thời gian nào đó hoặc đưa về quỹ bình ổn giá xăng dầu như có chuyên gia đề xuất, mang ý nghĩa quan trọng ở chỗ việc này tạo ra một tiền lệ tốt. Người dân, doanh nghiệp làm sai bị chế tài xử lý thì không có lý do gì cơ quan nhà nước làm sai lại bình chân như vại. Tiền lệ tốt nếu được thực hiện còn có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới và mọi thành phần kinh tế cũng như cơ quan quản lý không thể đứng ngoài lối chơi của các định chế, các hiệp định mà Việt Nam tham gia. “Rất may là thị trường xăng dầu hiện nay mới chỉ toàn doanh nghiệp trong nước tham gia. Nếu có doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường thì chắc chắn sẽ không tránh được việc cơ quan quản lý bị kiện vì làm sai luật”, một chuyên gia đã phát biểu như thế.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.