“Le Mont Ba Vì” dưới góc nhìn pháp luật

TP - Đối với Le Mont Ba Vì, thông tin đã rõ là tại thời điểm năm 2008, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì (BQL) ký hợp đồng liên doanh số 112 với Công ty TNHH Đầu tư và Công nghệ A&A Việt Nam (Cty CFTD).

Một trong những nội dung quan trọng của hợp đồng này là BQL góp vốn bằng đất (60,14ha) tại cốt 400m, 600m, 700m, 800m thời hạn 50 năm với Cty CFTD. Cần lưu ý rằng, pháp luật lúc đó không cho phép BQL ký hợp đồng liên doanh và pháp luật hiện nay cũng không cho phép BQL góp đất liên doanh.

Điều 53 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chỉ quy định: “Việc tổ chức hoạt động kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong phạm vi khu rừng đặc dụng phải có dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Điều 55 của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này chỉ cho phép BQL tự thực hiện hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thuê rừng để kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong rừng khi đã có dự án được phê duyệt. Đến năm 2010, Điều 23 của Nghị định số 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng mới cho phép thêm hình thức BQL ký hợp đồng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện kinh doanh du lịch sinh thái khi dự án được phê duyệt. Cần lưu ý rằng, việc liên doanh, liên kết ở đây chỉ trong phạm vi du lịch sinh thái dưới tán rừng. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hợp đồng 112 nói trên là vô hiệu và việc xây dựng Resort Le Mont là trái luật”.

Dưới góc nhìn của Luật Đất đai, BQL là một đơn vị sự nghiệp, được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, không phải là tổ chức kinh tế sử dụng đất đã trả tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất để được ký hợp đồng liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng trên đất. Như vậy, việc ký hợp đồng liên doanh, liên kết theo quy định tại Nghị định 117 nói trên rõ ràng chỉ trong phạm vi tổ chức kinh doanh các tour du lịch sinh thái dưới tán rừng thôi, không được động đến xây dựng trên đất. Chính vì thế, việc BQL góp 60,14ha đất vào liên doanh và việc Cty CFTD xây dựng resort đều hoàn toàn trái Luật Đất đai.

Dưới góc nhìn của pháp luật đầu tư cũng chỉ cho phép các tổ chức kinh tế mới được ký các hợp đồng liên doanh, liên kết để thực hiện các dự án đầu tư. Chắc chắn, một đơn vị sự nghiệp không hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp không thể tham gia thị trường đầu tư.

Theo pháp luật hiện hành, tại thời điểm hiện tại thì việc trình, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư thuộc vườn quốc gia lại được điều chỉnh theo Luật Đầu tư công (từ Điều 7 tới Điều 10). Vườn quốc gia là tài sản công, nếu đầu tư bằng nguồn vốn tư thì phải lập dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo Điều 7 của Luật Đầu tư công, dự án sử dụng từ 50ha đất vườn quốc gia trở lên thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia”; và theo Điều 17, nhóm dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy, lúc này thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như dự án đầu tư không còn thuộc Bộ NN&PTNT nữa rồi.

Hệ thống pháp luật nước ta là một thể thống nhất và ngày càng sát hơn với cuộc sống thực tế. Người ta thường lách luật bằng cách áp dụng một luật trong trạng thái tĩnh. Thực thi pháp luật công bằng là cách duy nhất để thu hút lòng tin của dân.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.