Khác biệt Việt - Mỹ sẽ được vượt qua

Ông Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ trao quà lưu niệm cho đại biểu đoàn “Cựu chiến binh vì hòa bình” Mỹ. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ trao quà lưu niệm cho đại biểu đoàn “Cựu chiến binh vì hòa bình” Mỹ. Ảnh tư liệu
TP - “Cả thế kỷ 20, đất nước chúng ta chỉ có 10 năm hòa bình, chiến tranh quá nhiều nên quá gian khổ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta nặng nề với quá khứ. Giờ đây là lúc phải nhìn về tương lai, phải vượt lên để phát triển. Đó cũng là cách thức để quá khứ đau thương, gian khổ không lặp lại”.

Ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và hiện nay là Chủ tịch Hội Việt - Mỹ chia sẻ với Tiền Phong như vậy về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam lịch sử 30/4/1975.

Không ai có thể làm lại được quá khứ 

Kể từ khi giải phóng miền Nam đến nay cũng đã 40 năm. Vậy khi nghĩ đến những ngày lịch sử đó, trong ông có những cảm xúc gì?

Cảm xúc là vừa thấy tự hào nhưng cũng thấy đất nước Việt Nam mình gian khổ quá, khi đã là một đất nước nghèo, bị chia cắt, lại rơi vào hoàn cảnh chiến tranh liên miên mà không phát triển nhanh được. Chúng ta toàn phải đương đầu với các kẻ thù nước lớn, có sức mạnh vượt trội. Thực tế, sau chiến thắng 30/4/1975 chúng ta đâu đã ra khỏi cảnh chiến tranh mà  phải đến tận những năm 1991 trở đi, sau thêm hai cuộc chiến nữa và cuộc bao vây cấm vận, chúng ta mới có hoà bình thực sự. Như vậy cả thế kỷ 20 Việt Nam ta chỉ có 10 năm hòa bình. Đất nước rơi vào những tình huống phức tạp của bối cảnh quốc tế, của lịch sử. Nhân dân ta và thế hệ trẻ sau này chắc chẳng bao giờ quên được những điều đó. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta nặng nề với quá khứ quá. Giờ đây phải nhìn về tương lai, phải vượt lên phía trước để phát triển. Đó cũng là cách thức để quá khứ đau thương, gian khổ không lặp lại.

Điều quan trọng là làm sao để quá khứ không cản trở quá trình bình thường hóa. Chúng ta nói với Mỹ, nói với nhân dân Mỹ rằng chúng ta sẵn sàng bắt tay để bước vào giai đoạn mới.

Có những ý kiến nhìn nhận lại cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam theo hướng nếu có sự lựa chọn khác thì sao. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Tôi nghĩ không ai có thể làm lại quá khứ được. Cuộc đấu tranh của chúng ta thời đó vì giải phóng và giành độc lập dân tộc thật thiêng liêng, chính nghĩa, nhưng diễn ra trong thời Chiến tranh lạnh khi chính trị thế giới vĩ mô chi phối tất cả các cuộc xung đột. Vì thế, về lý thuyết có người định nhìn nhận lại cuộc chiến tranh  nhưng phải đặt trong bối cảnh cụ thể của đất nước và quốc tế trong những năm đó. Bản thân tôi không muốn đặt lại lịch sử vì lịch sử là không làm lại được. Trong hoàn cảnh như thế chúng ta chấp nhận để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng vinh quang đó.

Ông đánh giá thế nào về bối cảnh quốc tế, cũng như những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam phải đối diện sau ngày thống nhất đất nước?

 Chúng ta sau chiến thắng vĩ đại đã không nhìn thấy hết được chính trị phức tạp của thế giới, của quan hệ các nước lớn đã  tác động đến Việt Nam, Đông Nam Á như thế nào. Chúng ta tiếp tục rơi vào bàn cờ của các nước lớn. Nhưng cũng phải thấy trong quan hệ quốc tế có những cái ta có thể nhìn ra nhưng vẫn bị động, bị tác động, không tránh được, không có điều kiện để ứng xử hết được để bảo vệ hết lợi ích của ta, nên nhiều lúc bị đẩy vào tình huống không mong muốn.

Chính sách của chúng ta luôn vì hoà bình nhưng không phải đều đạt được hoà bình. Do đó, tôi nghĩ  không ai làm lại được lịch sử. Nhưng nghĩ đến lịch sử để tính đến hôm nay rồi nhìn vào tương lai, nghĩ đến một nước nhỏ như là Việt Nam ta để luôn luôn tỉnh táo, nhận biết được sự phức tạp của mọi giai đoạn để tránh được những tình huống xấu có thể xảy ra.

Những khác biệt rồi sẽ được vượt qua

Từng là kẻ thù của nhau, nay Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Tuy nhiên để làm được điều đó chắc cả hai nước cũng đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, thưa ông?

Khác biệt Việt - Mỹ sẽ được vượt qua ảnh 1

Ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Quan hệ Việt Nam với Mỹ, nếu nói là nhanh thì cũng là nhanh. Nhưng cách nhìn của tôi thì thấy rằng nó cũng chật vật, cũng chậm. Như chúng ta thấy có nhiều cựu thù sau chiến tranh là người ta hoà hoãn, bắt tay, thậm chí trở thành đồng minh của nhau rất nhanh. Còn chúng ta phải mất 20 năm mới bắt đầu có quan hệ ngoại giao với Mỹ. 20 năm đó rất phức tạp, có nhiều yếu tố lắm, liên quan không chỉ chính trị hai nước, mà chính trị giữa các nước lớn cũng rất phức tạp... Nhưng chúng ta độc lập, nhìn thẳng về tương lai vượt qua quá khứ. Điều đó không có nghĩa là quên quá khứ bởi hậu quả chiến tranh vẫn còn hiện hữu từng ngày, đối với từng gia đình, địa phương. Điều quan trọng là làm sao để quá khứ không cản trở quá trình bình thường hoá. Chúng ta nói với Mỹ, nói với nhân dân Mỹ rằng chúng ta sẵn sàng bắt tay để bước vào giai đoạn mới. Sau 20 năm thiết lập quan hệ đến bây giờ giữa ta và Mỹ đã tiến đến quan hệ đối tác toàn diện. Như thế là đi lên rất nhiều. Bây giờ quan hệ hợp tác nhiều lắm rồi; giao lưu nhân dân cũng rất sôi động. Tuy nhiên đến nay trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn những khác biệt, và có thể nói chưa đạt hoàn toàn bình thường.

Vậy phải làm sao để những khác biệt đó không cản trở quá trình hợp tác giữa hai nước, thưa ông?

Ngày nay nhu cầu cùng  phát triển là rất lớn vì cả thế giới đang khủng hoảng kinh tế,  nên nước nào cũng phải  tìm kiếm quan hệ, hợp tác, phát triển. Thế giới này không ai giải quyết một mình được, tự mình quyết định được. Hơn nữa, trong bối cảnh quốc tế hiện nay thì nước nhỏ cũng quan trọng. Nước nhỏ nếu khôn khéo, linh hoạt cũng tạo ra sức mạnh lớn và tiếng nói quan trọng. Khó mà giải quyết hết mọi khác biệt nhưng cứ đối thoại, giao lưu, tìm cái cùng có lợi để hợp tác thì quan hệ càng đi lên lành mạnh.

Về triển vọng với Mỹ, tôi cho rằng trong ngắn và trung hạn hai nước đều có nhu cầu tăng cường hợp tác. Mỹ cũng đang rất cần Việt Nam. Còn chúng ta cũng thấy thị trường Mỹ để phát triển kinh tế, phát triển công nghệ. Về mặt chính trị, an ninh cũng thế, hai nước đều  muốn phát triển hợp tác cùng có lợi, giữ vững nguyên trạng và bảo đảm hoà bình trong khu vực. Do đó, tôi tin rằng quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tuc phát triển.

Với Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, từ thù trở thành bạn. Nhưng còn đối với những người ở bên kia chiến tuyến đến nay chúng ta vẫn cứ phải nói đến câu chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc, thưa ông?

Nói về câu chuyện hòa giải dân tộc, chúng ta nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên so với quá trình bình thường hoá quan hệ với Mỹ thì quá trình hoà giải giữa người Việt có khó khăn hơn. Đó là điều không muốn. Khi còn là Đại sứ ở Mỹ, không chỉ tôi mà  các Đại sứ trước và sau tôi cũng thế, câu chuyện làm thế nào để hoà giải luôn đặc biệt được coi trọng. Chúng ta luôn khẳng định, bà con dù ra đi ở hoàn cảnh nào thì cũng đều là người con Việt Nam. Chúng ta đều mong muốn, mở rộng cánh cửa để họ trở về với đất nước, với dân tộc... Và sau nhiều năm sự khác biệt cũng đã giảm đi rất nhiều. Chính sách của ta với kiều bào như là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam và đã đến đồng bào qua từng vấn đề cụ thể như quốc tịch, quyền lợi kinh doanh, mua nhà ở trong nước .v.v... Có thể còn cần nhiều chính sách hơn nữa  phù hợp mong muốn của đồng bào ở trong cũng như ở ngoài nước.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG