Kẻ thất tình kỳ dị

TP - Thực, tôi muốn gọi đó là “Kẻ thất tình vĩ đại”. Về người làm thơ thất tình nhiều và hay bậc nhất Việt Nam vừa ra đi - thi sĩ Thanh Tùng.

“Ai từng không giết người yêu mến/ Có lạ gì đâu chuyện giết người” (Oscar Wilde, Nhật Chiêu dịch). “Anh đã giết em, anh chôn em vào trái tim anh”. Gần trăm năm sau Xuân Diệu cũng “giết tình” – cảm thức khá tương hợp giữa “ông Hoàng thơ tình Việt” với thi hào xứ sở Ai-len. Có lẽ bởi cả hai đều ít nhiều vướng vào những mối “tình trai”?

Còn thi sĩ Thanh Tùng: “Chính ra ông phải giết người/ Nhưng ông ngồi khóc/ Khóc rất buồn cười/ Nước mắt rơi toàn chữ”. Trần Mạnh Hảo trong bài thơ viết tặng Thanh Tùng nhân bạn mình vào tuổi bát tuần (2015) đã giải mã một cách tài tình như vậy.

Hai đời vợ. Người vợ đầu nhan sắc nhưng đầy truân chuyên, từng qua hai lần đò trước đó. Dù đã là vợ chồng, cùng yêu thơ yêu nhau, hút lấy nhau trong cảnh nghèo khó, cuồng si vậy nhưng thi sĩ vẫn luôn mang cảm giác... thất tình!

Bài Thời hoa đỏ (1972) chính là viết cho mối tình này. Khắc khoải, ngơ ngác như một kẻ đánh mất tình yêu. Mối tình kiếp trước mơ hồ nào đó như “cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ” để lại “máu ứa một thời trai trẻ”. Dẫu vô cùng thiết tha, độ lượng với về một thời quá khứ của người mình đang nắm tay: “Trong câu thơ của em, anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”.

Đành rằng thi sĩ luôn là những kẻ thất tình từ tiền kiếp. Nhưng “thất tình” như Thanh Tùng thì thật kỳ dị: “Tôi van đấy, mắt em đừng qua nữa/ Cứ giày vò tôi cũ như mùa xưa”. Nhưng rồi lại xao xác hỏi: “Nối bao gió thu cho tôi tới được em”.

“Em để lại trong tim tôi một mũi dao/ Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút/ Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết… Hết rượu/ Tôi uống cả mùa thu/ Cả những chiều đông lướt thướt/ Xong, lại tự nhấn sâu thêm chút nữa…”. Lần này, bài thơ mang hẳn cái tên “Thất tình”.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà thơ có kể về một cô nghệ sĩ xinh đẹp đáng tuổi cháu mình. Sau lần nghe ông đọc thơ, nàng chủ động bày tỏ tình cảm, mãnh liệt đến nỗi thi sĩ đất Hải Phòng phải trốn chạy vào đất phương Nam để đến với cuộc hôn nhân thứ hai khá cân bằng tuổi tác. Đó là nhiều năm sau khi người vợ đầu bạc mệnh. Nhưng rồi cuộc thứ hai này cũng không kéo dài khi người vợ cũng lại sớm chia lìa…

“Giờ tôi đi giật lùi/ Tình yêu ở phía sau tôi...”. Nên nhớ đó là câu thơ của một người khi đã ở tuổi ngoài bảy mươi. Vẫn đi về phía những mối tình đời mình, một cách dị thường.

MỚI - NÓNG